Cộng đồng tham gia làm du lịch Ngoại trừ một số điểm đến mang dấu ấn đặc trưng là các di sản văn hóa lớn như: Khu di tích Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn… hầu hết các điểm đến tại Hà Nội đều liên quan đến yếu tố cộng đồng dân cư. Tại các điểm đến này, du khách không chỉ tham quan danh thắng mà còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, hòa mình vào không gian xung quanh.
Cổng làng Đường Lâm. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Tại nhiều điểm du lịch của Hà Nội, cộng đồng dân cư làm du lịch theo hình thức homestay hoặc tham gia vào các dịch vụ bán hàng, hướng dẫn tham quan, vận chuyển hoặc hướng dẫn khách du lịch làm nghề thủ công truyền thống …
Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là điển hình trong thu hút người dân tham gia làm du lịch bởi điểm đến này vốn được nhiều khách du lịch yêu thích. Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, làng có trên 120 hộ dân làm dịch vụ du lịch, tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ du khách.
Tại nội thành Hà Nội, rất nhiều điểm đến thu hút người dân làm du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An chia sẻ, phường Quảng An nổi tiếng với nghề trồng quất, cây cảnh, trồng sen và ướp trà sen cùng di tích phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên… Trên địa bàn phường còn tới 700 nhà đang cho người nước ngoài thuê, đợt cao điểm số người nước ngoài cư trú lên tới 3.000 người. Từ những lợi thế đó, cộng đồng dân cư ở Quảng An hào hứng tham gia làm du lịch, mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình, địa phương.
Đồng hành cùng cộng đồng dân cư Xác định việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư là quan trọng trong xây dựng hình ảnh điểm đến, những năm gần đây, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân tại các điểm tham quan. Điều đáng mừng, người dân địa phương đều hồ hởi tham gia với số lượng lên tới hàng trăm người mỗi lớp.
Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức 3 lớp nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng dân cư ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Ba Vì (huyện Ba Vì) với sự tham gia của gần 500 người dân trên địa bàn. Tháng 8/2017, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục tổ chức tại phường Quảng An (Tây Hồ) với hơn 50 người là đại diện các hộ dân đang kinh doanh du lịch và nghề truyền thống. Tháng 9/2017, Sở tiếp tục tổ chức tại xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) với sự tham gia của gần 100 người dân địa phương…Thông qua các lớp học, người dân thấy được lợi ích du lịch đem lại, biết về kỹ năng phục vụ, giao tiếp, thái độ ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, từ đó thay đổi nhận thức, phong cách làm du lịch.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại chỗ ở những điểm du lịch. UBND thị xã Sơn Tây phối hợp cùng Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân làng cổ Đường Lâm về cách làm sản phẩm du lịch phục vụ du khách, triển khai dịch vụ homestay tới những gia đình có nhà cổ, bước đầu đã nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định.
Là người tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch, anh Đoàn Xuân Lợi, Phó Hội trưởng, Hội Cây cảnh nghệ thuật phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho rằng, những lớp học này rất bổ ích đối với cộng đồng dân cư vì người dân không có nhiều kiến thức về du lịch. Ngay sau buổi học, anh sẽ áp dụng vào thực tế để phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua cây cảnh.
Theo Tiến sĩ Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội: Nhân lực là yếu tố cần thúc đẩy trước. Nguồn nhân lực không tốt, chất lượng dịch vụ sẽ kém, khiến du khách không muốn quay lại. Vì vậy, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phục vụ du lịch cho cộng đồng dân cư là việc làm cần thiết. Các địa phương cần quan tâm đến vấn đề này nếu muốn có cộng đồng làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản để du lịch ngày càng phát triển bền vững.