Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương - Bài 3: Khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa

Kết quả thống kê dữ liệu tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay có 366 điểm đến được đánh giá có khả năng khai thác và tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Trong đó, tài nguyên di sản văn hóa, lịch sử là một trong những điểm nổi bật trên địa bàn thành phố. Dựa trên kết quả thống kê, ngành Du lịch Thành phố phân loại và phát triển tài nguyên du lịch tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính, gồm: tài nguyên du lịch tự nhiên; tài nguyên du lịch văn hóa vật thể; tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể; tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. 

Chú thích ảnh
Chiếc xe tăng mang số hiệu 848 tham gia đội hình tấn công đánh chiếm Dinh Độc lập trong ngày chiến thắng 30/4/1975 tại khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Bắt tay cải tạo điểm đến sẵn có

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030 với mục tiêu nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu Thành phố. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thành phố thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch. Cụ thể, ngành nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch và lữ hành, tăng cường phối hợp với thành phố Thủ Đức và các quận huyện về thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố phục vụ cho công tác kiểm tra, thẩm định, phân loại, xếp hạng sao cho cơ sở lưu trú du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngành đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nhằm thực hiện hóa mục tiêu này, ngành Du lịch phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao triển khai kế hoạch liên tịch phát triển điểm biểu diễn nghệ thuật gắn với phục vụ khách du lịch đến thành phố. Ngành thực hiện kế hoạch phát triển du lịch gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, từ đó xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông nghiệp. Ngành Du lịch Thành phố hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại điểm đến, thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ mọi người dân tham gia làm du lịch. 

Hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng hoàn thiện, nâng chất điểm đến và chương trình du lịch hiện có. Trong đó, ngành liên kết với doanh nghiệp, chuyên gia nhà đầu tư, chính quyền thành phố Thủ Đức và quận/huyện... xây dựng Bộ sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố gắn với chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Điển hình, ngành đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai kế hoạch phát triển điểm đến Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng. 

Bước đầu đưa vào phục vụ công chúng và du khách, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã phát huy được tiềm năng sẵn có, trở thành sản phẩm du lịch khác biệt so với những sản phẩm du lịch đã có, cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mô hình du lịch nổi bật về khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và di sản văn hóa địa phương, do cộng đồng dân cư bản địa xây dựng và quản lý, góp phần phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, bảo vệ biên giới biển đảo của Thành phố. 

Du lịch cộng đồng là sinh kế cộng thêm của cư dân bản địa bên cạnh những sinh kế chính, do vậy du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch bền vững mà còn góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và xây dựng sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng. Các sản phẩm mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc làm nên Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) của người dân vùng biển được giới thiệu đến công chúng và du khách qua di sản văn hóa, chiến tích lịch sử, không gian hoài niệm, ẩm thực, đờn ca tài tử, làng nghề... 

Hiện tại, ở giai đoạn 1, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 điểm đến như cung cấp ẩm thực địa phương, dịch vụ tham quan, phục vụ đờn ca tài tử, dịch vụ lưu trú homestay, văn hóa tâm linh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe - thư giãn... Hệ thống những điểm đến này, được hình thành dựa trên đa dạng yếu tố bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên và đặc điểm của từng hộ gia đình; tổ chức vận động cộng đồng cư dân thông qua Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ du lịch Thiềng Liềng.

Xây dựng sản phẩm du lịch địa phương đặc sắc 

Chú thích ảnh
Khách quốc tế tham quan bên ngoài trụ sở HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Sản phẩm du lịch là một trong những thành tố cấu thành nên điểm đến du lịch, là yếu tố quan trọng quyết định sức hấp dẫn của một điểm đến, thúc đẩy sự lựa chọn điểm đến của du khách. Sản phẩm du lịch cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt và sức cạnh tranh chính của hệ thống điểm đến. Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng cao, đậm bản sắc... trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tài nguyên du lịch của Thành phố gắn với những giá trị tài nguyên du lịch nổi trội của vùng lân cận Thành phố Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng có tính quyết định đến việc định vị thương hiệu và thu hút du khách đến với Thành phố. Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, cũng xác định Thành phố có 3 nhóm sản phẩm du lịch, gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ, để đảm bảo sự đa dạng và sự khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch của Thành phố. 

Theo đó, sản phẩm du lịch đường thủy tập trung phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố và sản phẩm kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến nhiều tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch của Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm, với tổ hợp du lịch vui chơi giải trí, mua sắm hiện đại, thông minh mang tầm khu vực với bản sắc văn hóa riêng của Thành phố, nơi du khách có thể được thỏa mãn đầy đủ nhất nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực. 

Riêng sản phẩm du lịch sự kiện - lễ hội, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của một đô thị lớn, trẻ, năng động vào loại lớn nhất ở khu vực và là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và đào tạo. Sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, với tài nguyên du lịch là những di tích văn hóa - lịch sử, công trình kiến trúc độc đáo có thiết kế truyền thống lẫn hiện đại, mang giá trị văn hóa giao thoa của cộng đồng địa phương; giá trị lịch sử độc đáo chịu ảnh hưởng của cả văn hoá phương Đông và phương Tây.

Ông Đỗ Đăng Ái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận cho biết, địa phương đã phối hợp cùng Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt sản phẩm du lịch “Phú Nhuận - Nơi ta tìm về” được thiết kế và lấy ý tưởng dựa trên một số di tích đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, lịch sử... đưa du khách đến với di tích Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia Đình Phú Nhuận hơn 200 năm tuổi, để tìm hiểu về đời sống tâm linh của người dân địa phương. Du khách được tham quan Di tích lịch sử quốc gia Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn, đây là di tích minh chứng về sự phá hoại Hiệp định Genève của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
 
Tiếp tục hành trình tour tuyến dọc theo đường Hồ Văn Huê, du khách được trải nghiệm làm work-shop tại Iris Nguyễn và Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Lăng Võ Tánh. Đồng thời, du khách lần lượt được tự tay tạo ra sản phẩm nước hoa theo sở thích của riêng mình, tìm hiểu về một trong những võ tướng nổi tiếng của triều Nguyễn, nghe giai thoại “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” và giao lưu với các nghệ nhân về cách làm tranh sơn mài. Điểm cuối của hành trình “Phú Nhuận - Nơi ta tìm về” là phố ẩm thực Phan Xích Long, nơi du khách có thể thưởng ngoạn hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trải nghiệm tại Trung tâm văn hóa - thể thao Rạch Miễu. Cùng với đó, thưởng thức những món ăn đặc sắc và đa dạng của nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng hoặc đến các địa điểm khác trên địa bàn Thành phố bằng tuyến bus sông trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Bài cuối: Bám sát chiến lược quy hoạch ngành

Mỹ Phương (TTXVN)
Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương - Bài cuối: Bám sát chiến lược quy hoạch ngành
Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương - Bài cuối: Bám sát chiến lược quy hoạch ngành

Chính quyền và ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định du lịch là ngành kinh tế đa ngành, không phân định "ranh giới hành chính", cộng với xu hướng hội nhập... đang tạo ra những cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức cạnh tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN