Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai gắn kết du lịch với tài nguyên bản địa như văn hóa, lịch sử, ẩm thực... Đặc biệt, hàng loạt sản phẩm, tour tuyến du lịch di sản văn hóa, lịch sử đã đưa công chúng và du khách ngược dòng thời gian tìm hiểu về bản sắc dân tộc và con người Việt Nam, trong đó có những điểm đến ghi dấu ấn hào hùng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), cách đây đúng 48 năm.
Nhằm giới thiệu đến công chúng và du khách những điểm đến di sản văn hóa, lịch sử được ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khai thác, cũng như các hoạt động triển khai của chính quyền Thành phố, đặc biệt là ngành Du lịch để phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch hiện nay, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề “Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương”.
Bài 1: Di tích văn hóa, lịch sử - nguồn tài nguyên quan trọng của du lịch
Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, liên ngành tiến hành lập hồ sơ di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở này, ngành Văn hóa gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống; giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến với cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, ngành Văn hóa phối hợp với ngành Du lịch Thành phố từng bước đưa các di sản văn hóa, lịch sử vào sản phẩm, tour tuyến phục vụ công chúng và du khách.
Di tích lịch sử trong lòng thành phố hiện đại
Qua quá trình đổi mới và phát triển cùng đất nước, công tác phát triển giá trị di sản văn hóa, lịch sử và con người Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Bản sắc nền văn hóa dân tộc vừa được bảo tồn, vừa khai thác hiệu quả thông qua các di sản văn hóa, lịch sử trong lòng thành phố hiện đại. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một địa phương thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giới thiệu hình ảnh, nét đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam và Thành phố.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử chính là một trong những tài nguyên du lịch quan trọng và là cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch. Vì vậy, di sản văn hóa, lịch sử được khai thác hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc phục hồi và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống xung quanh khu vực có di sản.
Kết quả khảo sát thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử tại một số địa phương trên địa bàn của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2022) cho thấy, Thành phố hiện có 185 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp Thành phố. Đặc biệt, những di sản văn hóa, lịch sử liên quan đến các dấu mốc lịch sử quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự kiện ngày 30/4/1975, như Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Địa đạo Củ Chi... Hằng năm, các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn Thành phố luôn là điểm đến được nhiều người dân chọn lựa tới để tham quan, học tập và điểm đến thu hút du khách. Thống kê năm 2022, các bảo tàng, di tích lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp khoảng hơn 1,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 1,29 triệu lượt khách trong nước, hơn 206.000 lượt khách quốc tế.
Cụ thể, trên mảnh đất rộng 15ha ngay giữa trung tâm Thành phố, Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc in đậm dấu ấn thời gian và lịch sử, là điểm đến di sản văn hóa, lịch sử và du lịch hút du khách trong và ngoài nước mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Di tích lịch sử Dinh Độc Lập gắn liền với hình ảnh chiếc xe tăng 390 của Quân Giải phóng húc đổ cánh cửa thép và tiến thẳng vào cổng dinh. Với những giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, công trình này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1976. Đến năm 2009, Dinh Độc Lập được xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, địa điểm này mở cửa cho người dân, du khách; đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao của các nước đến làm việc, tham quan, giao lưu... tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhắc tới những di sản văn hóa, lịch sử gắn liền với Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc, không thể không kể đến Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi phát ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ - Tổng thống Dương Văn Minh, xác nhận sự sụp đổ của chính thể Việt Nam cộng hòa. Vào ngày 30/4/1975, đài được đổi tên thành Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng. Đồng thời, hình ảnh về lá cờ Giải phóng bay phấp phới trên màn hình trong bài hát Giải phóng miền Nam 30/4 hồi đó vẫn được sử dụng để phát lại trong những dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hàng năm.
Đặc trưng văn hóa truyền thống
Cùng với các di tích văn hóa, lịch sử liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được quan tâm đầu tư, bảo tồn mà những loại hình nghệ thuật truyền thống được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể như đờn ca tài tử, cải lương… cũng được sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh để xây dựng hành trình tour tuyến văn hóa, lịch sử phục vụ công chúng và du khách.
Có thể kể đến những loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc giữa đô thị như hát bội, lân sư rồng, múa rối nước... Thành phố Hồ Chí Minh có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là hát ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Bên cạnh đó, Thành phố có ba Di sản Văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Quận 5 và Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh).
Theo đó, vừa làm tốt việc bảo tồn di sản vừa xây dựng những dự án hoạt động bảo tồn di sản để tạo nguồn thu là luôn là bài toán khó đối với ngành Văn hóa nói riêng và các sở, ngành liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Ghi nhận trong số loại hình sân khấu đặc sắc của Việt Nam, Thành phố đang chú trọng bảo tồn nghệ thuật hát Bội, với mong muốn giới thiệu rộng rãi bộ môn nghệ thuật này đến với công chúng, du khách trong và ngoài nước.
Từ năm 2020, Nhà hát Nghệ thuật hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa hát Bội vào biểu diễn thường niên tại Lăng Lê Văn Duyệt và sân trước Đền thờ Vua Hùng (khuôn viên Thảo Cầm Viên) vào mỗi cuối tuần. Để giúp múa rối nước có thêm nhiều cơ hội đến với công chúng trẻ và du khách quốc tế, Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Sài Gòn đã ra đời từ năm 2015 đến nay. Đơn vị nghệ thuật xã hội hóa này tập trung biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên ở các trường học, trẻ em vùng sâu vùng xa; tổ chức lớp giảng dạy về nghệ thuật rối nước và chế tạo đồ lưu niệm; liên kết với công ty du lịch để phục vụ quảng bá múa rối nước đến du khách quốc tế…
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với lợi thế là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa, Thành phố luôn là địa phương thu hút khách du lịch quốc tế nhiều nhất cả nước bởi sở hữu nhiều những sản phẩm văn hóa mang nét đặc trưng riêng. Cùng với đó, xác định những “địa chỉ đỏ” quan trọng là di sản văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch quan trọng, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố chú trọng nguồn lực để đầu tư tôn tạo, tu bổ các di sản này. Ngoài ra, Sở đã và đang triển khai kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Quyết định số 458 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025"; phối hợp với Chi cục văn thư, lưu trữ thành phố thực hiện việc giao nộp hồ sơ lưu trữ lịch sử vào Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố...
Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra là các sở, ngành phải phối hợp liên ngành mới có thể tăng cường liên kết, gia tăng thêm giá trị cho các di sản, điểm đến, bởi di sản không phải là một điểm đến cụ thể mà là tổng hòa chuỗi di sản văn hóa, lịch sử trong một đô thị. Muốn khai thác di sản văn hóa, lịch sử trở thành tài nguyên du lịch cần có sự phối hợp của nhà quản lý, nhà điều hành tour… khi xây dựng các chương trình tour tuyến, điểm đến theo hành trình di sản. Những đơn vị thuộc lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử cần liên kết chặt chẽ với ngành Du lịch hơn nữa, nhằm tìm ra sự cộng hưởng và phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử phục vụ du lịch, đảm bảo khai thác du lịch hài hòa với giữ gìn, bảo tồn di sản. Cùng với đó, các bên nên lắng nghe những ý kiến góp ý từ các công ty du lịch, lữ hành... vì đây là những đơn vị nắm bắt được nhu cầu, xu hướng của du khách để có định hướng thực hiện những sản phẩm du lịch hiệu quả, đưa di sản tiếp tục “sống” cùng thời đại, cũng là cách bảo tồn và khai thác di sản hiệu quả.
Bài 2: Thay 'áo mới' cho điểm đến văn hóa, lịch sử