Xây dựng sản phẩm du lịch thân thiện môi trường
Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, để xây dựng được sản phẩm du lịch “xanh”, cần chú trọng đến các vấn đề: Nhu cầu và xu hướng của khách về du lịch “xanh” trong giai đoạn hiện nay; giá trị cốt lõi của sản phẩm “xanh”; xác định điểm du lịch, đối tác, nhà cung cấp dịch vụ “xanh”; nâng cao trải nghiệm; hướng dẫn bảo vệ môi trường, tương tác với cộng đồng; từ đó có những đánh giá thực tế và cải tiến.
Chẳng hạn, với việc chuyển đổi “xanh” trong đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam, KTS Nguyễn Thượng Quân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo đã đưa ra giải pháp về tạo ra mối liên kết: Hạ tầng xanh - giao thông xanh - công trình xanh. Cụ thể, thực hiện giảm bê tông hóa bề mặt, từng các vật liệu thân thiện giúp thẩm thấu nước mặt, tạo tuyến cảnh quan; tạo các tuyến đường đi bộ, xe đạp, thân thiện môi trường kết nối các khu chức năng; sử dụng các phương tiện giao thông ít thải carbon (xe điện, xe đạp,thuyền chèo...).
Bên cạnh đó là việc tái sử dụng nước mưa, nước thải sinh hoạt cho tưới cây và tạo cảnh quan; sử dụng thiết bị tiết kiệm nước; tạo vùng chứa nước trong dự án, sử dụng phương pháp lọc tự nhiên bằng thực vật và sinh vật. Đồng thời, các cơ sở nghỉ dưỡng có thể sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng mặt trời, tăng cường chiếu sáng tự nhiên; tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón và thức ăn gia súc. Đối với các khu nghỉ dưỡng, những không gian công viên giúp tạo môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng, giảm khí thải carbon.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch “xanh” cũng là điều cần thiết. TS. Vũ An Dân, Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, chuyển đổi “xanh” trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch là quá trình kết hợp các thực hành và nguyên tắc phát triển bền vững vào đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Hoạt động này có phạm vi rộng bao gồm triển khai hoạt động giáo dục và đào tạo sinh viên, học viên, nhân viên tại các cơ sở đào tạo về du lịch, các doanh nghiệp du lịch về các sáng kiến thân thiện với môi trường, nỗ lực bảo tồn và thực hành du lịch bền vững.
Nhận định chung về thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” tại các địa phương, khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, cần xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng “xanh” trong lĩnh vực du lịch ở địa phương, khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Từ đó lựa chọn mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” phù hợp. Đặc biệt, cần triển khai các giải pháp phù hợp với thực tiễn ở địa phương, trước hết là nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh”, để có hành động đúng, hợp lý và hiệu quả.
Hướng tới phát triển bền vững
Ông Phùng Quang Thắng nhận định, quá trình chuyển đổi “xanh” trong du lịch là dài hạn, cần chuyển đổi từ những chi tiết nhỏ và có sự chung tay của các bên liên quan. Dù đã triển khai từ nhiều năm nay, ghi nhận một số tích cực từ các địa phương, song để “xanh hóa” du lịch vẫn còn gặp nhiều hạn chế, thách thức.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, có 7 giải pháp cần thực hiện để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” ở Việt Nam, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” và bền vững; Phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, bảo đảm tính nguyên sơ, nguyên bản của giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc; Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư “xanh” và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch “xanh” để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch “xanh” (như chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống xử lý nước thải).
Bên cạnh đó, cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, khám phá-trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Phát triển du lịch gắn với trách nhiệm xã hội lớn hơn, đặc biệt trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập và mức sống của người dân, nhất là ở vùng khó khăn có tiềm năng du lịch; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn ngành du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh”; Kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức là các “dự án du lịch xanh” nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất.
Tại Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi “xanh” để phát triển bền vững” diễn ra mới đây, TS. Phạm Lê Thảo, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia, đã đưa ra một số tiêu chí đánh giá tăng trưởng “xanh” của điểm du lịch xem xét áp dụng trong quá trình chuyển đổi “xanh”. Trong đó, bao gồm các nhóm tiêu chí như: Tăng trưởng du lịch; Tài nguyên du lịch; Quản lý điểm đến; Sản phẩm và dịch vụ; Cơ sở hạ tầng; Việc làm; Vai trò của cộng đồng.
Cụ thể, để đánh giá về tài nguyên du lịch, cần xét trên các tiêu chí: Phát huy lợi thế so sánh về sự đa dạng, tính độc đáo của tài nguyên, khai thác tài nguyên thiên nhiên, xây dựng các sản phẩm du lịch “xanh”, bảo vệ tài nguyên du lịch và sáng kiến tôn tạo tài nguyên du lịch. Việc quản lý điểm đến cần đánh giá dựa trên quản lý chuyên trách, tăng trưởng số cơ sở dịch vụ du lịch ứng dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, truyền thông về du lịch “xanh”, chất lượng môi trường tự nhiên và vệ sinh chung, xử lý rác thải, thu gom xử lý nước thải, nhà vệ sinh công cộng, môi trường xã hội văn minh, thân thiện.
Ngoài ra, các sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng cần ứng dụng công nghệ “xanh”, nâng cao giá trị tài nguyên, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn. Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng “xanh”, hướng tới tiết kiệm năng lượng và chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch về bảo vệ môi trường, tăng trưởng “xanh”.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi “xanh” để chung tay bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế “xanh” trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch “xanh”, dịch vụ “xanh” và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của doanh nghiệp du lịch theo hướng chuyển đổi “xanh” để ngành du lịch phát triển bền vững, hiệu quả.