Du lịch Việt Nam: Cần một “nhạc trưởng”: Bài 5: Xúc tiến du lịch - Liệu cơm gắp mắm

Hoạt động xúc tiến du lịch ra nước ngoài là hình thức quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam, tạo động lực thu hút khách. Xúc tiến quảng bá được coi là một trong những hoạt động chủ lực của Tổng cục Du lịch nhưng hoạt động này đang bị “chia năm xẻ bảy”, dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả thấp.

Thắt “hầu bao”


Để có nguồn kinh phí xúc tiến, Tổng cục Du lịch đã đề xuất cơ chế, mỗi du khách đến Việt Nam sẽ dành 1 USD để đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và nước ngoài. Phương châm của cách tính này là lượng khách nhiều thì được đầu tư xúc tiến, quảng bá tương ứng và ngược lại. Với cách tính toán trên, năm vừa qua đạt 6 triệu lượt khách tương đương với 6 triệu USD (120 tỷ đồng) sẽ giúp cho những chiến dịch quảng bá có cơ hội được nâng tầm.

Xúc tiến rầm rộ của du lịch nước ngoài tại thị trường Việt Nam.


Thế nhưng, hoạt động cho xúc tiến du lịch mỗi năm lại bị cắt giảm. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết các nước láng giềng như Thái Lan, Malaixia đều chi khoảng 80 - 100 triệu USD/năm cho chiến dịch quảng bá du lịch thì tổng kinh phí dành cho Chương trình Xúc tiến quốc gia của Việt Nam năm nay chỉ khoảng 2 triệu USD.

Số tiền đã ít lại còn bị chia năm xẻ bảy cho các đơn vị; trong đó Tổng cục Du lịch 70%, Cục Hợp tác quốc tế chiếm 20% và một số dự án chia nhỏ cho một số đơn vị. Việc phân tán nguồn lực đôi khi dẫn tới sự chồng chéo và lãng phí, hiệu quả thấp.

Nguồn kinh phí hạn hẹp đang trở thành “rào cản” đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Điều này có thể thấy qua việc, Tổng cục Du lịch tham gia hội chợ, các sự kiện ở nước ngoài lại thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như: họp báo, tiếp tân, quảng bá trực quan... Đại diện doanh nghiệp Sao Việt nhận xét: Chính vì vậy, khi đi quảng bá, nhìn vào các gian hàng của Thái Lan, Xinhgapo…, thậm chí nhìn vào gian hàng Campuchia thấy rất ấn tượng, hoành tráng, nổi bật hình ảnh điểm đến và mang tầm vóc quốc gia. Trong khi đó gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam lại tỏ ra mờ nhạt bởi một số doanh nghiệp du lịch mạnh của Việt Nam và cả hãng hàng không Vietnam Airlines đều có gian hàng riêng, không chịu vào gian hàng “ngôi nhà Việt Nam chung”. Việc mạnh ai nấy làm khiến nguồn lực xúc tiến quảng bá Việt Nam bị phân tán.

Loay hoay tìm giải pháp

Biểu diễn văn nghệ truyền thống tại Bắc Hà (Lào Cai).


Những người làm lâu năm trong ngành du lịch, ai cũng chỉ ra được những yếu kém của ngành du lịch nói chung và hoạt động xúc tiến quảng bá nói riêng song dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đề cập trong các bài phát biểu, bàn luận tại các cuộc hội thảo. Trên thực tế, các chương trình xúc tiến nếu kinh phí ít, cơ chế tài chính bất cập và thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức khiến việc xúc tiến vẫn mang nặng tính bao cấp- đó là nhận xét chung của đại diện các doanh nghiệp lữ hành.

Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết: “Việc cắt giảm ngân sách cho xúc tiến du lịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động này. Nhưng quan trọng hơn lúc này là cách làm. Với những đồng tiền ít ỏi đó thì quan trọng là sử dụng đồng tiền như thế nào. Từ rất lâu, tôi đã có kiến nghị cần họp bàn để đánh giá một cách khách quan, cởi mở, nhìn thẳng vào sự thật về hoạt động xúc tiến của mình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước xem hiệu quả đến đâu nhưng chưa ai làm. Bởi thực tế, những phản ánh của doanh nghiệp du lịch về công tác tổ chức không phải không có cơ sở. Đã có những lần, đoàn xúc tiến mang đi hàng tạ tờ rơi, tờ gấp để quảng bá nhưng sau đó gửi lại hết ở sứ quán. Vậy tại sao? Một là mình mang đến thị trường đó sản phẩm họ chưa quan tâm. Hai là phương thức chưa đúng bởi thị trường đó không thích đọc tờ rơi, tờ gấp mà thích đọc mạng tìm thông tin, trong khi mình chỉ chăm chăm in tờ rơi. Cho nên xúc tiến phải biết người ta cần cái gì, tiếp cận thông tin theo phương thức nào để xúc tiến cho chuẩn nhưng chưa ai nghĩ làm điều đó cả nên hiệu quả vẫn thấp. Điều đó đừng nói do mình ít tiền”.

“Chính vì vậy, khi thâm nhập xác định thị trường nào thì cần nghiên cứu thị trường đó. Việc mở văn phòng du lịch tại các thị trường khác chính là cách tìm hiểu thị trường đó một cách tốt nhất cũng như cung cấp thông tin tốt nhất cho du khách sở tại. Việc này đã được Tổng cục Du lịch kiến nghị từ hơn chục năm nay nhưng đến nay vẫn không được triển khai”, ông Lương nhận xét. Thậm chí thị trường khách Nhật Bản được đánh giá tiềm năng và ngay cả Lào, Campuchia đều có văn phòng tại Nhật Bản nhưng chúng ta đến nay vẫn chỉ dừng lại ở... đề án. Đến mức là doanh nghiệp phía bạn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để ngành du lịch Việt Nam có thể mở văn phòng tại Nhật nhưng chính Tổng cục Du lịch lại kêu vướng cơ chế. Việc chậm chân này khiến chúng ta đang để tuột cơ hội quảng bá và du khách đương nhiên đến đất nước được cung cấp thông tin tốt hơn.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Kỳ cuối: Cần có “nhạc trưởng”

Du lịch Việt Nam: Cần một “nhạc trưởng”-Bài 4: Nhân lực du lịch - Yếu tố để cải thiện chất lượng dịch vụ

Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc phần lớn vào yếu tố con người. Do đó, khi xác định chuyển hướng phát triển từ “lượng” sang “chất” thì yếu tố con người cần được quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN