Đến nay, hàng loạt các nước trên thế giới đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, tạo ra cơ hội để du lịch mới phục hồi trở lại. Trong đó, yếu tố an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Việt Nam đã bắt đầu khôi phục trở lại du lịch bằng việc phát động du lịch Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”; chuẩn bị thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang) vào tháng 11/2021.
Chùm bài viết “Du lịch Việt Nam an toàn” gồm hai bài viết đề cập đến kinh nghiệm quốc tế để triển khai du lịch an toàn; phục hồi du lịch nội địa, quốc tế ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của du khách thời kỳ hậu COVID-19.
Bài 1: Mô hình du lịch an toàn - Kinh nghiệm từ quốc tế
Trải qua 2 năm “điêu đứng” vì sụt giảm nghiêm trọng khách du lịch quốc tế, các tổ chức du lịch, lữ hành trên thế giới và nhiều quốc gia đã có sáng kiến, đưa ra các chứng chỉ, mô hình an toàn để phục hồi dòng khách. Đây là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam học tập, áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế để có giải pháp tổng thể, toàn diện nhằm nhanh chóng đưa hoạt động du lịch phát triển trở lại.
Tiêm chủng đủ vaccine - điều kiện tiên quyết
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cùng các biện pháp đảm bảo sức khỏe là các giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bởi virus sẽ không biến mất, buộc nhân loại phải sống chung an toàn. Do đó, các giải pháp chứng nhận an toàn sẽ là chìa khóa để mở cửa trở lại các hoạt động đi lại, du lịch... trong bối cảnh sống chung với đại dịch.
“Tem du lịch an toàn - Safe Travel Stamp” là sáng kiến của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), ra đời năm 2020 nhằm hỗ trợ du khách nhận biết các điểm đến đã áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu về sức khỏe và vệ sinh. Loại tem này được xem là niềm hy vọng giúp du lịch, lữ hành quốc tế phục hồi, thoát khỏi tình trạng “tê liệt”. Quy trình cấp “Tem du lịch an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), kinh nghiệm từ các thành viên của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới liên tục được cập nhật. Đến nay, hơn 400 điểm đến trên khắp thế giới đã sử dụng chứng nhận này. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã tham gia chương trình "Tem du lịch an toàn".
Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á nhanh chóng áp dụng mô hình du lịch an toàn mang tên “hộp cát du lịch” được triển khai đầu tiên ở Phuket từ ngày 1/7. “Hộp cát” cho phép du khách đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến từ những quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình đến Phuket và ở lại đây một thời gian trước khi đến các địa điểm du lịch khác mà không cần cách ly tiếp.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cung cấp mới đây: Chương trình "hộp cát Phuket" sau 3 tháng thực hiện đã đạt được hiệu quả bước đầu. Chương trình thu hút được khoảng 41.000 lượt du khách đến Phuket, tạo ra doanh thu khoảng 70 triệu USD cho ngành du lịch.
Thái Lan đang hy vọng mở cửa trở lại thêm 5 địa điểm du lịch khác theo mô hình "hộp cát" từ đầu tháng 11/2021, khi mà tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 trên thế giới tiếp tục tăng. Nước này cũng coi “hộp cát du lịch” là mô hình hữu ích giúp kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại mà không cản trở việc kiềm chế COVID-19.
Singapore đã đón chuyến bay chở du khách châu Âu vào tháng 9/2021 theo chương trình “Hành lang du lịch tiêm chủng” (Vaccinated Travel Lane - VTL). Theo đó, du khách tiêm chủng đủ từ Đức và Brunei có thể tới Singapore mà không phải cách ly nếu âm tính với 4 lần xét nghiệm. Nếu chương trình hiệu quả, Singapore sẽ mở nhiều hành lang du lịch với các quốc gia khác.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch, Liên minh châu Âu (EU) đã giới thiệu hệ thống “đèn giao thông” COVID-19 để người dân hình dung được tình hình dịch bệnh ở từng quốc gia thành viên. Liên minh châu Âu áp dụng “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19” với hy vọng khôi phục ngành Du lịch. Chứng nhận này được Liên minh châu Âu thiết lập nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Đây là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc thẻ cứng dùng di chuyển liên quốc gia gồm 3 nội dung cần thiết nhất (chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 với các loại vaccine được Liên minh châu Âu phê chuẩn gồm BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson&Johnson); kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc COVID-19 trong thời gian gần nhất. Việc này khẳng định người sở hữu chứng nhận không có nguy cơ gây lây lan dịch bệnh. Ngay từ khi được đề xuất, “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19” được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh châu Âu mở cửa trở lại theo cách an toàn, bền vững...
Đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người dân, du khách
Ở Việt Nam, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đã giới thiệu và đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm “Thẻ thông hành xanh” để hoàn thành nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam chia sẻ: “Thẻ thông hành xanh” cho phép truy xuất nhanh thông tin về y tế phòng dịch COVID-19 bởi đây là ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép truy cập và trích xuất nhanh thông tin của người dùng theo thời gian thực.
Thẻ áp dụng các giải pháp công nghệ, thông tin là chính xác và duy nhất, khó có thể làm giả mạo, góp phần hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ xác nhận y tế phòng dịch COVID-19. Giải pháp thẻ thông hành xanh sẽ góp phần phục hồi các hoạt động giao thông vận tải, thương mại, du lịch, sản xuất… trong bối cảnh có thể dịch vẫn diễn biến lâu dài.
Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đề xuất “Thẻ thông hành xanh Việt Nam” (Vietnam Green Travel Pass) được cấp miễn phí cho công dân Việt Nam và người nước ngoài đã đăng ký tạm trú ở nước ta. Được cấp thẻ này, người dân có thể sử dụng các dịch vụ ngoài trời hoặc trong nhà (lễ hội, sự kiện thể thao, nhà hàng và quán cà phê, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và thư viện, rạp chiếu phim, lễ viếng, đám cưới…); đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng; đi công tác, du lịch, thăm thân ở các địa phương có nguy cơ, nguy cơ cao hoặc rất cao về dịch bệnh; đi công tác hoặc du lịch nước ngoài theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Để chuẩn bị cho việc khôi phục trở lại hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” từ tháng 10/2020. Ứng dụng này cung cấp cho khách du lịch công cụ hữu ích trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bảo vệ quyền lợi của du khách trong quá trình đi du lịch.
Thông qua ứng dụng, du khách có thể sử dụng bản đồ số để tra cứu thông tin về các điểm đến an toàn, cơ sở y tế khám, chữa bệnh; các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; check-in để kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí an toàn của cơ sở lưu trú du lịch, phản ánh chất lượng dịch vụ tới các cơ quan chức năng…
Đến cuối tháng 8/2021, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” đã được tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế. Dữ liệu khai báo được liên thông trực tiếp đến Hệ thống quản lý khai báo y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho người dùng ứng dụng khai báo y tế mà không cần phải chuyển sang nền tảng khác. Bên cạnh tính năng khai y tế, ứng dụng đang được nâng cấp, tích hợp thêm nhiều tiện ích khác như đăng kí và khai báo an toàn COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh du lịch, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ…
Tổng cục Du lịch đã chủ động xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên website https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng đón khách quốc tế khi du lịch quốc tế được mở trở lại. Hiện nay, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine đã được tích hợp lên ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Hệ thống này cung cấp quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế trước, trong và sau khi nhập cảnh, du lịch tại Việt Nam, sẵn sàng cho việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vào tháng 11/2021.
Bài cuối: Song hành kích hoạt, thu hút du khách nội địa và quốc tế