Du lịch Tết 2025 - Bài cuối: Cảnh giác với chiêu trò bán tour giảm giá, khuyến mãi

Hiện nay, lợi dụng vào mùa cao điểm du lịch dịp lễ, Tết 2025, các đối tượng lừa đảo đã tung ra chiêu trò như mời chào mua vé máy bay, combo du lịch giá rẻ trên các trang mạng xã hội, hội nhóm... nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. 

"Combo du lịch giá rẻ"

Hiện nay, lừa đảo bán tour trong ngành du lịch chủ yếu có ba nhóm chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, và các hình thức kết hợp khác.

Đầu tiên phải kể đến chiêu trò "Combo du lịch giá rẻ", các công ty du lịch “ma” này thường quảng cáo rầm rộ trên mạng, đưa ra các combo giá rẻ bất ngờ để thu hút khách hàng. Để tạo lòng tin, họ thậm chí tổ chức một số chuyến du lịch giá rẻ nhằm tạo hiệu ứng trước khi tiến hành lừa đảo quy mô lớn. Nhiều gia đình bị mất từ vài triệu đồng, thậm chí có người "sập bẫy" với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Khi vụ việc bị phát hiện, các công ty này lập tức “bốc hơi” và tiền của nạn nhân cũng biến mất.

Mới đây, anh Lê Anh Quốc, ngụ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, đã bị lừa khi mua voucher du lịch trị giá khoảng 10 triệu đồng qua một trang mạng xã hội. Anh Quốc kể, sau khi thấy quảng cáo combo 3 ngày 2 đêm tại Phú Quốc với giá 3.980.000 đồng/người, rẻ hơn một nửa so với giá của các công ty du lịch khác, anh đã nhanh chóng "chốt đơn".

Anh mua vé cho gia đình 5 người, tổng cộng khoảng 20 triệu đồng. Để nhận được ưu đãi “sốc”, tư vấn viên yêu cầu anh chuyển khoản 50% để đặt cọc. Sau khi chuyển 10 triệu đồng và nhận email xác nhận, chỉ vài giờ sau, anh Quốc gọi điện kiểm tra thì phát hiện mình đã bị chặn trên điện thoại và Zalo. Fanpage mà anh vừa liên hệ cũng biến mất. Nghi ngờ bị lừa, anh liên hệ với các công ty lữ hành uy tín và được xác nhận không có đơn vị nào bán voucher với mức giá đó.

Chú thích ảnh
Thông tin và hình ảnh của hướng dẫn viên Nguyễn Trường Tôn mà chị Khánh Thu cung cấp. 

Không chỉ anh Quốc, nhiều khách hàng khác cũng “sập bẫy” khi các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên công ty du lịch để chiếm đoạt tiền. Mới đây, chị Nguyễn Khánh Thu, ngụ tại quận Bình Thạnh, bị một người tự xưng là nhân viên Công ty TNHH MTV Du lịch Phong Cách Việt lừa bán tour du lịch Thái Lan cho gia đình chị. Sau khi chị Thu chuyển gần 50 triệu đồng, người này không tổ chức tour và cũng không hoàn trả tiền.

Chị Khánh Thu chia sẻ: "Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, gia đình tôi đến Công ty TNHH MTV Du lịch Phong Cách Việt và mới biết rằng, anh Tôn không phải là nhân viên của công ty. Công ty này cũng không hề biết về việc anh ấy đã nhận cọc để bán tour Thái Lan cho gia đình tôi. Dù nhiều lần liên hệ để đòi lại tiền, Tôn vẫn không hoàn trả".

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice Travel, cho biết hiện nay có nhiều đối tượng giả danh nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch để lừa đảo bán tour, vé máy bay trên mạng xã hội. Những kẻ này thường sao chép hình ảnh, thông tin hoạt động của công ty và tạo website giả để lừa khách hàng. Trong một số trường hợp, giấy tờ có tính pháp lý như biên nhận cọc, hợp đồng du lịch của công ty bị thất lạc và rơi vào tay kẻ xấu, sau đó bị chỉnh sửa để lừa nạn nhân tiếp theo.

Đại diện một số công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cảnh báo rằng, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra chiêu trò mượn danh công ty uy tín, kèm theo ưu đãi hấp dẫn và thúc giục khách hàng chuyển tiền ngay để giữ ưu đãi. Vì vậy, người dân cần thận trọng, kiểm chứng kỹ thông tin trước khi quyết định mua tour online. Nếu có thể, nên đến tận nơi để thanh toán thay vì tin vào lời hứa hẹn trên mạng.

Nâng cao cảnh giác

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, một số trường hợp mua tour du lịch giá rẻ với mức giảm 40-50% đã bị chiếm đoạt tài sản sau khi giao dịch. Thủ đoạn bao gồm làm giả hình ảnh, voucher, vé máy bay và các giấy tờ. Đôi khi, kẻ lừa đảo còn giả mạo tài khoản mạng xã hội để liên hệ với bạn bè, giả vờ đang gặp khó khăn ở nước ngoài và cần vay tiền gấp. Một số đối tượng thậm chí sử dụng công nghệ deepfake để tạo cuộc gọi video giả, khiến nạn nhân tin rằng họ đang nói chuyện với người thân và chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.

Chú thích ảnh
Người dân cần tìm đến các công ty du lịch uy tín để mua tour tránh bị mất tiền oan.

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, đặc biệt khi mùa cao điểm du lịch Tết đang đến gần. Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, sử dụng dịch vụ từ các công ty uy tín hoặc các ứng dụng du lịch đáng tin cậy. Người dân có thể yêu cầu xem giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề của công ty để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, người dân cũng cần cảnh giác khi nhận các lời mời mua gói du lịch giá rẻ hơn thị trường 30-50% và tránh chuyển tiền cọc nếu chưa xác minh kỹ. Hãy chú ý các dấu hiệu của website giả mạo, như tên miền có đuôi lạ (.cc, .xyz, .tk) và chọn giao dịch trên các trang mạng xã hội có dấu tích xanh hoặc uy tín; cần xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Luật sư Nguyễn Công Chính, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết hành vi chiếm đoạt tiền mua tour dưới 2 triệu đồng sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt 2-3 triệu đồng. Nếu chiếm đoạt trên 2 triệu đồng hoặc tái phạm, đối tượng có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Điều tra tài nguyên du lịch cần thực hiện bài bản, chi tiết từng địa bàn
Điều tra tài nguyên du lịch cần thực hiện bài bản, chi tiết từng địa bàn

Ngày 1/11, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai điều tra tài nguyên du lịch năm 2024. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh đồng chủ trì hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN