Du lịch phát triển theo chiều sâu

Năm 2015, dự báo du lịch nước ta sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu thu hút 8,5 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu tăng khoảng 15%, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Nâng cấp dịch vụ

Anh Lê Ngọc Tuấn, công tác tại một doanh nghiệp thực phẩm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng có kế hoạch đi du lịch. Việc hàng không có nhiều chương trình giảm giá khuyến mại cộng với thông tin ngày càng đa dạng, sự tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, đã tạo thuận tiện hơn cho người đi du lịch. Với du lịch trong nước, chúng tôi mong muốn dịch vụ ngày càng cải thiện để người đi du lịch được thoải mái”.

Bà Papazoglou Eleni, người Hy Lạp, cùng bạn bè lần đầu tiên đến Việt Nam rất ấn tượng với sự thân thiện của người Việt Nam và sự đa dạng của nền văn hóa truyền thống. Thú vị nhất với bà là hành trình khám phá những bãi biển miền Trung và bà khẳng định sẽ trở lại Việt Nam để du lịch trong thời gian tới.

Xu hướng du lịch đó cũng được phản ánh qua con số thống kê năm 2014, ngành du lịch Việt nam đón hơn 7,87 triệu lượt khách quốc tế, đạt 95% kế hoạch nhưng doanh thu du lịch đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước đó. Điều này phản ánh du lịch Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển dịch sang đối tượng khách có chi trả cao, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu.

Tàu Volendam, quốc tịch Hà Lan cập cảng Nha Trang. Ảnh: Nguyên Lý- TTXVN


Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist chia sẻ, việc dịch chuyển sang đối tượng khách chi trả cao là hướng đi tất yếu khi hạ tầng và dịch vụ của Việt Nam dần được cải thiện. “Đứng ở góc độ kinh doanh, lợi nhuận đem lại từ phục vụ 1 khách chi trả cao bằng 4-5 khách thu nhập thấp và tiến tới không bị áp lực chạy theo số lượng. Việc chuyển hướng khách chi trả cao cũng sẽ dần nâng cao tay nghề đối với đội ngũ nhân lực làm dịch vụ, phục vụ. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này sẽ diễn ra từ từ và đòi hỏi Tổng cục Du lịch phải có định hướng, dự báo với từng phân khúc thị trường chính xác để có sự đầu tư hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực”, ông Kế khẳng định.

Nhu cầu đi du lịch của khách Việt Nam ngày càng đa dạng và có sự phân hóa về tuyến điểm, nhu cầu và phân khúc thị trường rõ nét. Với sự biến động của thị trường, các công ty du lịch không còn mọc như nấm sau mưa như trước mà chỉ tồn tại doanh nghiệp có định hướng, chiến lược rõ ràng. Điều này cho thấy du khách cũng ngày càng có kinh nghiệm đi du lịch, có yêu cầu cao về dịch vụ. “Ngành du lịch cần định hướng cụ thể với từng phân khúc thị trường, đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp du lịch trước những diễn biến thị trường”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Redtour cho biết.

Tuy có nhiều tín hiệu vui, nhưng theo đại diện các doanh nghiệp du lịch, năm 2015 sẽ là năm nhiều khó khăn. Việc không đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế năm 2014 cũng là “cảnh báo”, do đó việc chuyển hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng, đa dạng là cần thiết. “Sản phẩm du lịch hấp dẫn khách chi trả cao vẫn là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo”, bà Trần Việt Hương, Giám đốc truyền thông của Vietravel đánh giá. Thực tế, hơn 70% doanh thu từ du lịch Việt Nam đến từ du lịch biển đảo và đây sẽ là điểm mạnh mà Việt Nam sẽ khai thác.

“Do đó, Việt Nam đang hoàn thiện  xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo trên cơ sở gần đây với một loạt cơ sở hạ tầng, resort cao cấp đã hình thành tại các bãi biển đẹp. Việc này sẽ giúp khai thác thế mạnh bờ biển trải dài của Việt Nam”, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Liên kết đi vào thực chất


Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh trên diện rộng 4 năm qua. Đây là giai đoạn tích lũy trong đầu tư về hạ tầng và nhân lực. “Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc phát triển du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và tự thân ngành du lịch không thể hoàn thành mục tiêu nếu không có liên kết. Những yếu tố “đầu vào” trong hoạt động du lịch thì ngành du lịch chỉ đáp ứng được một nửa. Còn một nửa do các lĩnh vực khác đảm nhận như giao thông, ngoại giao, an ninh an toàn, môi trường… Do đó, xây dựng sản phẩm du lịch cần chính sách vĩ mô kết nối dịch vụ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan, chính quyền các cấp”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Cuối năm 2014, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 92 với mục tiêu tạo sự liên kết liên ngành, liên vùng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho du lịch tập trung 5 vấn đề: Visa; hàng không; quảng bá xúc tiến sản phẩm và điểm đến; cải thiện môi trường du lịch; hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan, tạo bước phát triển đột phá với du lịch. Nghị quyết cũng chỉ rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp, vai trò chính quyền địa phương trong phát triển du lịch. Hành lang pháp lý đã có, vấn đề hiện nay là triển khai Nghị quyết đó vào cuộc sống.

Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết, trong đó chỉ rõ những phần việc mà từng Bộ chủ trì như: Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, xếp hạng, công bố chỉ số về phát triển của các điểm du lịch; Bộ TTTT chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, VTV, Thông tấn xã Việt Nam và cơ quan đại chúng khác đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo sự đột phá trong nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch và xúc tiến, quảng bá; Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực gắn với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Do đó, năm 2015 được coi là năm bản lề cho du lịch phát triển theo chiều sâu sau khi đã có hành lang pháp lý, nhằm huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, việc xúc tiến du lịch được quan tâm. Bên cạnh nguồn kinh phí ngân sách, Tổng cục Du lịch sẽ xây Quỹ xúc tiến quảng bá du lịch, huy động các nguồn từ ngoài ngân sách để từ đó có thể quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Việt Nam; đồng thời Bộ VHTTDL xây dựng thị trường khách quốc tế, thu hút dòng khách lưu trú dài ngày và chi tiêu cao  để tránh phụ thuộc vào thị trường.

Cùng với hạ tầng du lịch đang dần được đầu tư nâng cấp, việc quản lý điểm đến, liên kết kích cầu triển khai trong năm 2015 sẽ mang đến những bước chuyển cho du lịch Việt Nam thực sự là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Thăng long GTC: Nghị quyết 92 Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới là cơ sở để du lịch có thể có những bước chuyển từ năm 2015 khi giải quyết những điểm bức xúc lâu nay của doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch. Do đó với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, việc quảng bá sẽ tập trung hơn và tạo bước chuyển lớn theo từng nhóm thị trường. Đặc biệt là sự liên kết kích cầu du lịch cần làm quy mô cấp quốc gia để thu hút doanh nghiệp, các tỉnh, thành và sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để có những đợt giảm giá hấp dẫn du khách.



Xuân Minh


Phú Quốc - đảo ngọc tỏa sáng
Phú Quốc - đảo ngọc tỏa sáng

Nhờ được đầu tư lớn, những năm gần đây, đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã phát triển mạnh mẽ - như một viên ngọc đã được rèn giũa, nơi vùng cực Nam tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN