Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Từ khi bước vào giai đoạn phục hồi, Chính phủ có nhiều giải pháp phục hồi phát triển du lịch.
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai phiên họpì và sau đó có Nghị quyết 82 với 7 nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Các nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
“ Thời gian qua, Hà Nội đã có những giải pháp đẩy mạnh thu khách. Trong 8 tháng năm 2023, Thủ đô đã phục vụ 13 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Dù vậy, số lượng như trên vẫn chưa xứng với tiềm năng. Do đó, để thu hút khách cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến”, ông Nguyễn Trùng Khách đánh giá.
Bà Đặng Hương Giang, Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Tốc độ phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 tại Hà Nội nhanh, nhưng phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn có đóng góp ý kiến của doanh nghiệp để trên cơ sở đó tham mưu với lãnh đạo thành phố Hà Nội có giải pháp thu hút khách. Đặc biệt, trong thời gian tới, Hà Nội định hướng khai thác sản phẩm du lịch đêm; du lịch đường sông và khai thác tốt hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông…
Còn ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào du lịch chữa bệnh, du lịch văn hoá. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm với doanh nghiệp lừa dối khách hàng, vì chỉ cần một doanh nghiệp làm sai, sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung đơn vị đón khách nước ngoài, chi tiêu nhiều.
Đại diện các doanh nghiệp du lịch đề xuất, muốn phát triển du lịch đêm, Thủ đô cần quy hoạch lại tuyến phố phát triển du lịch đêm; có công bố thời gian mở cửa dịch vụ đến 2-3 giờ sáng. Cần liên kết các sản phẩm mang tính đặc trưng giữa nội đô và ngoại thành Hà Nội
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng: Hà Nội cần tập trung khai thác tăng doanh thu để tăng hiệu quả kinh tế, hơn là chú trọng số lượng khách. Về sản phẩm trong nội đô, Hà Nội cần xây dựng tuyến xe điện kết nối trong nội đô bởi khách hiện đi tự do nhiều.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) cho biết: Định hướng thời gian tới, Hà Nội chú trọng sản phẩm làm tăng doanh thu. Bên cạnh đó xác định rõ phân khúc thị trường khách để có sản phẩm phù hợp.