Cảnh giác cao với tour giá rẻ
Du lịch bùng nổ sau đại dịch COVID-19, nhiều dịch vụ, tour du lịch giá rẻ được chào bán trên các hội nhóm review du lịch, mạng xã hội... Đặc biệt, trong dịp lễ 2/9, các gói dịch vụ, tour du lịch giá rẻ đang được chào bán trong các hội nhóm review du lịch trên mạng xã hội thường có giá dao động từ 1,8 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng cho combo 4 ngày 3 đêm tại các điểm đến nổi tiếng như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… thu hút khá nhiều khách hàng đặt tour.
Sau khi tham khảo một số nơi, chị Vũ Thị Mai Lan (ngụ ở thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã lên mạng xã hội đặt tour 3 ngày đi Đà Nẵng với giá chỉ 3 triệu đồng/khách, bao gồm vé máy bay và phòng đặt (qua một bên thứ 3). Theo yêu cầu, chị Mai Lan phải thanh toán 80% tổng số tiền trước khi nhận được mã đặt phòng. Thấy người bán tư vấn nhiệt tình nên chị Mai Lan đồng ý chuyển khoản thanh toán trước 80% và người bán cũng mất hút kể từ khi tài khoản của chị Mai Lan bị trừ tiền.
“Chờ hoài không thấy bên bán chuyển mã đặt phòng, tôi có gọi điện cho người bán nhưng không liên lạc được và họ đã chặn tất cả số điện thoại, Zalo, Facebook, lúc này tôi mới nhận ra mình bị lừa. Khi bị lừa, tôi mới biết là trên các nhóm combo du lịch, trạng mạng lại có nhiều người bị lừa giống mình. Tất cả chiêu trò của họ là luôn đưa ra giá tour rẻ hơn các tour bình thường mà các công ty du lịch chào bán từ 70 - 80%, vì ham rẻ nên rất nhiều người dính lừa”, chị Vũ Thị Mai Lan nói.
Theo các công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, không thể có các gói combo du lịch giá rẻ lại kèm chất lượng dịch vụ 4 - 5 sao trong các bài quảng cáo trên các mạng xã hội. Hiện nay, chỉ riêng giá vé máy bay đến các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước đã tăng gấp đôi; chi phí lưu trú, vận chuyển, ăn uống tại các điểm du lịch cũng tăng cao gấp 2 - 3 so với ngày bình thường thì không có chuyện có combo du lịch giá rẻ chỉ từ 1,8 - 2,9 triệu đồng như các trang mạng rao bán.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST tourist cho biết, thông thường trên các trang mạng xã hội, đối tượng lừa đảo có rất nhiều chiêu trò để dụ khách chuyển khoản tiền nhanh chóng sau khi chào bán tour du lịch thành công. Một số khác thì mượn tên, trụ sở của các công ty uy tín, đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn để đánh vào lòng tin của khách hàng; sau khi khách hàng tin tưởng thì các đối tượng này không ngừng hối thúc khách chuyển tiền đặt cọc mua tour du lịch sớm nếu không sẽ hết ưu đãi, vì vậy nhiều người mua chưa kịp kiểm chứng, dưới sự hối thúc của người bán đã vội đưa ra quyết định và chuyển khoản thanh toán tour. Sau khi thanh toán tiền đặt cọc thì người bán cũng biến mất cùng số tiền của khách vừa đặt.
"Người dân nên cân nhắc, so sánh kiểm chứng với các cơ sở kinh doanh lữ hành uy tín trước khi quyết định đặt mua tour trực tuyến trên mạng. Mọi thông tin trao đổi có thể thực hiện qua nền tảng mạng xã hội nhưng khi thanh toán, nên đến tận nơi để làm thủ tục, thay vì tin vào những lời cam kết của người bán để rơi vào cảnh tiền mất, tật mang", ông Nguyễn Minh Mẫn khuyến cáo.
Tăng cường giám sát
Khi các dịch vụ quá tải sẽ kéo theo hệ lụy là xảy ra tình trạng chèo kéo, "chặt chém" du khách tại các điểm du lịch, vì vậy các địa phương như Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt... đã có các biện pháp ngăn chặn từ sớm như tăng cường công tác kiểm tra hoạt động cơ sở kinh doanh từ nay đến ngày 2/9, công bố đường dây nóng hỗ trợ du khách trong những ngày nghỉ lễ 2/9...
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết, dịp lễ 2/9 sắp đến gần, UBND thành phố Nha Trang đã có văn bản thành lập các tổ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá, an toàn giao thông… Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, thành phố sẽ xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của du khách, bảo vệ thương hiệu du lịch địa phương.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, Sở kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, du khách, cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh kịp thời và đấu tranh mạnh mẽ đối với các trường hợp có hành vi "chặt chém" du khách. Nếu du khách gặp vấn đề liên quan đến tình trạng "chặt chém", chèo kéo, thì phản ánh qua đường dây nóng 0947.528.000, đầu số *2258 để được hỗ trợ kịp thời.
Là một trong những địa phương luôn đón hàng ngàn lượt khách trong các kỳ nghỉ lễ, hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đưa nhiều phương án đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng dịch vụ để đón khách trong dịp lễ 2/9. Cụ thể, thành phố Vũng Tàu đã bố trí nhiều bãi xe cho du khách trong trường học, cơ quan... khi đến thành phố tham quan, vui chơi và du khách có thể theo dõi các địa điểm này trên Google Map. Thành phố cũng phát hành tập gấp trực tuyến và in ấn hướng dẫn đường đi, lễ hội, tắm biển an toàn... bằng tiếng Việt và tiếng Anh để du khách nắm rõ thông tin điểm đến. Ngoài ra, các đơn vị như Thanh tra Sở Du lịch tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh để đối chiếu giá cả, chấp hành niêm yết giá…
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở sẽ tăng cường công tác phổ biến các quy định pháp luật về du lịch tới du khách, các doanh nghiệp du lịch (lưu trú, lữ hành, cung ứng dịch vụ...) để nâng cao nhận thức pháp luật về hoạt dộng du lịch tại các điểm đến, doanh nghiệp. Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp cùng các công ty du lịch, dịch vụ, điểm đến để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm như "chặt chém", chèo kéo du khách mua hàng khi đến TP Hồ Chí Minh trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 tới.
Theo ông Nguyễn Minh Lý, Chánh thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngay khi ngành du lịch Thành phố mở cửa đón khách, ngành cũng đã có quy chế phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh hay kết hợp với lực lượng Thanh niên xung phong, Đội bảo vệ du khách để ghi nhận và xử lý nhanh vấn nạn "chặt chém" hoặc cắt chương trình tour, đưa du khách đến những điểm mua sắm mà du khách không muốn… Ngoài ra, Sở cũng có đường dây nóng để nhận phản ánh từ du khách về vấn nạn "chặt chém" hoặc các vấn đề khác.
"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện các hành vi "chặt chém" hay chèo kéo du khách mua hàng tại các điểm du lịch. Để ngăn chặn tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách, đơn vị cũng đang thực hiện các chuyên đề về thanh kiểm tra các cơ sở du lịch, điểm đến, công ty lữ hành... nhằm ngăn chặn sớm các hành vi làm ảnh hưởng đến ngành du lịch của Thành phố, đặc biệt trong đợt cao điểm du lịch hè và du lịch lễ Quốc khánh 2/9", ông Nguyễn Minh Lý cho biết thêm.
Liên quan đến vấn nạn "chặt chém", chèo kéo du khách, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, phát triển du lịch không phải là kiểu "ăn xổi ở thì", không bền vững, không "vơ bèo gạt tép"... vì khi đi du lịch, không một du khách nào chấp nhận được chuyện "chặt chém", dịch vụ tạm bợ, chấp nhận việc bỏ qua chuyện.
Muốn ngăn chặn tình trạng "chặt chém", chèo kéo và dễ dãi trong làm du lịch, các doanh nghiệp phải suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, tính toán lại để nâng cao chất lượng ngành du lịch. Đối với các nhà quản lý cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, tập huấn, tư vấn tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về việc phát triển du lịch bền vững, du lịch chọn lọc để người dân nâng cao cảnh giác, tránh bị sập bẫy các tour du lịch giá rẻ, kém chất lượng... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.
Du lịch dịp Quốc khánh 2/9 - Bài cuối: Ngành giao thông đảm bảo phục vụ tốt cho hành khách