Du lịch di sản văn hóa của TP Hồ Chí Minh chưa phát triển vì... thiếu kinh phí

Công tác quy hoạch và nhận diện di sản văn hóa chưa thực hiện đến nơi đến chốn, cơ quan quản lý thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và điều kiện bảo tồn, di sản văn hóa sẵn có nhưng chuyển đổi công năng chưa phù hợp… là những nguyên nhân khiến các di sản văn hóa thành phố dù có nhiều song chưa phục vụ tốt cho ngành du lịch phát triển.

Ngày 22/11, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Hội di sản Văn hóa đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch Di sản văn hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” nhằm tìm ra những giải pháp cho việc phát triển du lịch văn hóa thành phố hiện nay.

Chú thích ảnh
Các đại biểu cho rằng cần liên kết các đơn vị, doanh nghiệp để phát triển du lịch di sản thành phố.

Bà Phan Yến Ly, trưởng phòng phát triển sản phẩm của Công ty Saigontourist cho biết, hơn 70% đường tour dành cho du khách trong và ngoài nước mà đơn vị triển khai đã khai thác các tài nguyên di sản văn hóa của thành phố như: Địa đạo Củ Chi, Dinh độc lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nhà thờ Đức bà, Bưu điện TP Hồ Chí Minh… nhưng chưa thực sự “sống”, chưa đưa du khách hòa mình vào đời sống thực của người dân và không giúp du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa hay cùng tham gia lễ hội. Cụ thể như trừ Dinh độc lập có thuyết minh, xem phim hay xây dựng thêm một không gian giới thiệu chuyền đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh độc lập 1868 -1966”, các địa điểm khác hầu như không có hoạt động nào thu hút du khách.

“Hiện nay, quy hoạch và nhận diện di sản văn hóa còn chưa thực hiện đến nơi đến chốn, còn có một số kiến trúc cổ xưa của thành phố, doanh nghiệp muốn khai thác đưa vào tour nhưng không được khuyến khích tham quan như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhà rường của linh mục Bá Đa Lộc… cũng đang kìm hãm việc phát triển du lịch di sản thành phố hiện nay. Vì vậy, muốn khai thác tiềm năng di sản để phát triển du lịch di sản, các sở ban ngành cùng doanh nghiệp cùng nhau “đánh thức” di sản văn hóa, tạo cho nó sức sống bằng các hoạt động nghệ thuật, lễ hội và xây dựng không gian trải nghiệm cho du khách cùng tham gia khám phá, tìm hiểu, học tập", bà Ly cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Bảo tàng chứng tính chiến tranh đổi mới cách quản lý nên hàng năm thu hút hàng ngàn du khách quốc tế.

Đồng quan điểm với bà Ly, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, phát triển du lịch di sản thành phố vẫn còn hạn chế vì thiếu kinh phí, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải tăng cường liên kết để tăng thêm giá trị cho các di sản, các điểm đến. Bởi di sản không phải là một điểm đến cụ thể mà là một tổng hòa các di sản văn hóa trong đô thị đó. Muốn biến di sản văn hóa thành tài nguyên du lịch cần có bàn tay phối hợp của nhà quản lý, nhà điều hành tour… khi xây dựng các chương trình tour, các điểm đến di sản. Ở góc độ khác, cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp, người dân bắt tay vào nâng cấp và làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch di sản văn hóa sẵn có để di sản văn hóa thực sự là động lực cho ngành du lịch phát triển và thu hút nhiều du khách hơn.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đặc sắc lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao ở Điện Biên
Đặc sắc lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao ở Điện Biên

Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ ở Điện Biên mang truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc rất riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN