Doanh nghiệp Việt mong chờ triển khai thị thực chung khu vực Đông Nam Á

Theo các chuyên gia du lịch, sáng kiến thị thực chung 6 nước của Thái Lan là cơ hội tốt cho ngành du lịch Việt Nam tăng lượng khách quốc tế, cũng như tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, ngành du lịch cần năng cao chất lượng sản phẩm,

Chú thích ảnh
Việt Nam là đất nước thân thiện đối với du khách quốc tế, nhưng để giữ chân du khách cần có sản phẩm du lịch chất lượng. 

Tăng sức hút với du khách

Mới đây, Thái Lan đã có sáng kiến cùng 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar thành lập khu vực thị thực (visa) chung, để khách quốc tế chỉ cần xin thị thực một lần, nhưng có thể đến được 6 nước. 

Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế, bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP truyền thông Du Lịch Việt cho biết: Du lịch châu Âu khá thành công khi có chính sách thị thực Schengen, cho phép du khách tự do di chuyển giữa 27 nước. Vì vậy, chính sách thị thực chung của 6 nước Đông Nam khi được áp dụng sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tế. Theo đó, khách quốc tế xin thị thực một lần tại một quốc gia để đến được 6 nước, từ đó giúp tăng khả năng thu hút du khách đối với các thị trường xa như châu Âu, Úc, Mỹ … Ngoài ra, khi du khách tham gia một hành trình du lịch dài ngày, trải nghiệm nhiều quốc gia trong khu vực, sẽ tiện lợi khi lên kế hoạch du lịch.

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài tham quan khu vực Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Phương Anh, Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước. Đây cũng là cơ hội nâng cao vị thế cho ngành du lịch bằng tiềm năng và tài nguyên du lịch sẵn có. Đối với doanh nghiệp du lịch, để đón cơ hội này, cũng nên chuẩn bị kế hoạch làm mới các sản phẩm du lịch, xây dựng những sản phẩm phù hợp về hành trình, chất lượng và có các chương trình liên kết quảng bá đặc thù du lịch  nhằm thu hút nhiều du khách. 

"Khi chính sách này được thông qua, ngành du lịch cũng cần nhanh chóng có các chính sách hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… cùng nắm bắt cơ hội này”, bà Phương Anh đề xuất. 

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Maketing Công ty TSTtourist cho biết, chính sách thị thực chung các nước sẽ tạo thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam liên kết với du lịch khu vực và xa hơn là liên kết với ngành du lịch của các nước khác. Xu hướng liên kết này đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ngoài ra, khi có thị thực chung, sẽ giúp Việt Nam giải quyết được bài toán khó tiếp cận khách quốc tế, do còn vướng mắc trong chính sách visa của Việt Nam.

"Tuy nhiên, muốn tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với của các nước trong khu vực, trước tiên doanh nghiệp du lịch cần nâng chất sản phẩm, còn các điểm đến cần giải quyết vấn nạn chặt chém du khách, ô nhiễm môi trường du lịch. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá truyền thông cho các sản phẩm đặc trưng, đặc thù, mang đậm văn hóa vùng miền của Việt Nam", ông Nguyễn Minh Mẫn đề xuất thêm. 

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại ấp đảo Thiềng Liêng, huyện Cần Giờ. 

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế là trung điểm của các nước và được xem là bếp ăn của du lịch châu Á. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế về hệ thống cảng biển, điểm đến phong phú, đa dạng về văn hóa, thiên nhiên… khá hấp dẫn du khách quốc tế. Không chỉ thế, du khách có thể di chuyển bằng đường bộ, đường sắt, tàu... đến Việt Nam, hoặc các nước lân cận. Vì vậy, thị thực chung là đòn bẩy lớn để ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh, thị thực chung khi được thực hiện sẽ nâng cao sức cạnh tranh của khu vực, hình thành tour tuyến xuyên quốc gia khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam và các nước có cơ hội đón được dòng khách có thời gian lưu trú và chi tiêu cao, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho du khách.

Ngoài ra, thị thực chung còn tăng thêm tính liên kết cộng đồng Đông Nam Á về mặt chính sách và chiến lược, nâng vị thế Đông Nam Á trên trường quốc tế.

Cuối cùng, khi áp dụng thị thực chung, Việt Nam không chỉ gia tăng tính liên kết giữa các địa phương, mà còn giúp các công ty đa quốc gia kiến tạo tour, tuyến một cách hiệu quả.

"Để làm được những điều này, đòi hỏi sự đồng bộ dữ liệu thông tin du lịch với 5 nước còn lại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển hóa dữ liệu, phù hợp với xu thế hiện nay. Vì vậy, trước tiên Việt Nam cần đẩy mạnh, nâng cao việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch để có thể đồng bộ hóa dữ liệu chung với các nước còn lại. Hiện nay, công nghệ Việt Nam vẫn đang ngoài cuộc so với 5 nước còn lại", TS Dương Đức Minh đề xuất thêm. 

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm trò chơi đua bạch tuộc khi tham gia tour du lịch tại TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, theo một số doanh nghiệp lữ hành khác, để năm bắt cơ hội từ thị thực chung 6 nước, trước mắt chính doanh nghiệp Việt phải thiết kế các sản phẩm tour dành cho du khách quốc tế có hành trình tour từ Việt Nam tới các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia… Hiện nay, tour liên tuyến ba nước (Lào, Campuchia, Việt Nam) vẫn đang gặp khó khăn, khi khách muốn đi sang nước lân cận thường phải xin thị thực lại. Vì vậy, đề xuất mới của Thái Lan sẽ giúp giải quyết khó khăn, tạo điều kiện phát triển các tour đi liên tuyến các nước.

Theo thống kê, trong năm 2023, 6 quốc gia Đông Nam Á đón 70 triệu lượt khách quốc tế, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD). Nếu thỏa thuận thị thực mới thành công, chỉ cần 50% số khách quốc tế đến Thái Lan và Malaysia ghé thăm Việt Nam, thì ngành du lịch Việt sẽ "bội thu" khách quốc tế.

Mặt khác, hiện nay Việt Nam tìm mọi cách hút khách đường xa như châu Âu, Mỹ hoặc Australia, nhưng lại chưa tận dụng được việc có khá nhiều khách ở thị trường này đang đến các quốc gia khác ở châu Á du lịch. Vì vậy, khi Thái Lan đưa đề xuất tạo thị thực chung với 5 quốc gia khu vực chính là cơ hội để "lôi kéo" tệp khách có sẵn. 

Theo Bộ Công An, khi Việt Nam và các nước có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép thì công dân sẽ được sử dụng thẻ căn cước thay cho việc sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện nay như hộ chiếu, giấy thông hành… trên lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế với các nước về vấn đề này.

Theo thông tin tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quốc gia trong ASEAN đang thực hiện phấn đấu thống nhất các loại giấy tờ. Theo đó, ASEAN đang hướng tới việc thống nhất không sử dụng visa tương tự như cộng đồng châu Âu. Điều này đồng nghĩa, công dân Việt Nam có thể dùng thẻ căn cước để đi lại trong khu vực ASEAN khi các nước thống nhất được nội dung trên.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thêm tuyến tàu du lịch kết nối với đường sắt Lào - Trung Quốc
Thêm tuyến tàu du lịch kết nối với đường sắt Lào - Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 9/5, chuyến tàu du lịch đầu tiên từ thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã đến thủ đô Viêng Chăn của Lào. Chuyến tàu khởi hành từ ngày 8/5 với 240 du khách xuất phát từ ga Quý Dương với hành trình dài 8 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN