Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - điểm đến của nhiều tour du lịch giá rẻ - đã sớm đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ lữ hành một cách khá công phu, bài bản.
Tăng cường quản lý thuế
Tại Văn bản số 8244/UBND ngày 25/10/2017, UBND thành phố Hạ Long đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh sớm phê duyệt và ban hành Kế hoạch khảo sát doanh thu, trong đó tập trung vào các đối tượng có rủi ro thuế cao (khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng phục vụ khách du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch…); tập trung rà soát doanh thu các lĩnh vực kinh doanh có rủi ro thuế cao. Ngành chức năng thành lập các tổ công tác, cử cán bộ trực tiếp bám sát địa bàn, khảo sát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ liên tục trong một khoảng thời gian (bao gồm giờ cao điểm và thấp điểm) để thu thập thông tin, làm cơ sở xác định chính xác doanh thu, ấn định mức thuế phải nộp theo quy định.
UBND thành phố Hạ Long đề xuất ngành chức năng yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải nộp báo cáo hoạt động hàng tháng, hàng quý…(theo mẫu do ngành thuế và sở chuyên ngành quy định) gửi Cục/Chi cục Thuế, sở chuyên ngành và UBND cấp huyện. Nếu doanh thu có biến động bất thường, UBND cấp huyện hoặc Cục/Chi cục Thuế đưa vào đối tượng thuộc “rủi ro thuế cao” để tiến hành thanh kiểm tra, đánh giá và ấn định lại doanh thu chịu thuế.
Thành phố Hạ Long đã hoàn tất việc triển khai triển khai lắp đặt hệ thống camera IP hoạt động liên tục 24/24 giờ, lưu trữ dữ liệu tối thiểu 30 ngày đối với các tàu du lịch, các cửa hàng bán hàng. Thành phố tiến tới sẽ lắp đặt trên các ô tô vận tải khách du lịch, các khách sạn, các nhà hàng... tránh việc trốn tránh khai gian thuế của các đơn vị kinh doanh.
Thực tế chứng minh, việc tăng cường công tác quản lý đã giúp thành phố Hạ Long đạt được thu ngân sách từ các cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm tốt hơn so với các địa phương khác. Cụ thể, theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh năm 2018, thành phố Hạ Long chỉ có 14 cơ sở kinh doanh nhưng tổng thu ngân sách của các cửa hàng này đạt 10,5 tỷ đồng. Trong khi đó, thành phố vùng biên Móng Cái có tới 18 cửa hàng nhưng thu thuế chỉ đạt 633 triệu đồng.
Đáng chú ý, điểm mua sắm ASEAN, có quy mô lớn nhất nhì thành phố Móng Cái, điểm chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc và vừa bị các cơ quan chức năng Trung ương kiểm tra tháng 7/2019 thu giữ nhiều mặt hàng thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, có giá trị hàng chục tỷ đồng chỉ nộp thuế vẻn vẹn 68,6 triệu đồng trong năm 2018.
Chọn lọc các hãng lữ hành, quản lý chặt hợp đồng tour du lịch
Từ thực tiễn, thành phố Hạ Long đề xuất tỉnh Quảng Ninh cần sớm kiện toàn tổ chức, bộ máy Hiệp hội Du lịch tỉnh và các Chi hội trực thuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích “liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế - kỹ thuật trong bình ổn thị trường, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch…”, tuân thủ các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, sở ban ngành và địa phương.
Cùng với chính quyền địa phương, Chi hội Lữ hành Quảng Ninh tiến hành sàng lọc các doanh nghiệp lữ hành có đủ năng lực, uy tín để lập danh sách cho phép ký hợp đồng với các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động lữ hành, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch trong sạch, văn minh, thân thiện.
Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp lữ hành được lựa chọn (theo tiêu chí do Hiệp hội du lịch thống nhất đặt ra) để ký hợp đồng với các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ có Công hàm gửi Cục Du lịch Quảng Tây - Trung Quốc để cùng phối hợp quản lý, tăng cường hợp tác quản lý giám sát hoạt động du lịch, cùng đảm bảo trật tự thị trường du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách, tạo môi trường du lịch lành mạnh.
Cơ quan chức năng quản lý chặt các hợp đồng lữ hành, hợp đồng đại lý lữ hành với việc yêu cầu doanh nghiệp lữ hành phải xuất trình Hợp đồng lữ hành/Hợp đồng đại lý lữ hành, Chương trình du lịch trọn gói ngay từ khi làm thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh là điều kiện đầu tiên để quản lý tốt hoạt động kinh doanh của các đơn vị lữ hành trên địa bàn Quảng Ninh. Doanh nghiệp lữ hành phải tổ chức cho khách đi du lịch theo đúng các chương trình trọn gói đã ký kết, tuyệt đối không phát sinh phụ lục hợp đồng hoặc các thỏa thuận ngoài hợp đồng đã ký kết.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch để khảo sát và thường xuyên cập nhật, công bố lại (tối thiểu 6 tháng, tối đa 12 tháng) các mức giá sàn: tour cho khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch vào Việt Nam; giá dịch vụ vận chuyển và lưu trú khách tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long…, để làm cơ sở kiểm soát và phát hiện giá tour thấp bất thường, giá bất hợp lý…
Sở Du lịch cùng với các sở ngành và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giá sàn tour du lịch, giá tour du lịch thấp bất thường, chia nhỏ Chương trình du lịch để điều giảm giá trên hợp đồng hoặc không ghi rõ ràng giá tour trong hợp đồng lữ hành hoặc chương trình du lịch; ghi sai nội dung, sai điểm/tuyến du lịch; đưa khách vào các điểm không đúng chương trình ghi trong hợp đồng hoặc đưa vào các điểm/tuyến chưa được công bố đạt chuẩn đón khách du lịch. Đối với các trường hợp vi phạm, Hiệp hội Du lịch tỉnh loại các doanh nghiệp lữ hành vi phạm ra khỏi Danh sách các doanh nghiệp lữ hành được ký hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc.
Ngoài ra, UBND thành phố Hạ Long đề xuất các hợp đồng lữ hành có giá trị trên 20 triệu đồng, yêu cầu phải áp dụng hình thức thanh toán chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng theo đúng quy định của Bộ Tài chính; Công khai, niêm yết giá theo quy định bằng việc phát tờ rơi giá tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh về mặt bằng giá các mặt hàng phổ biến đang bày bán tại các cơ sở kinh doanh, bán hàng phục vụ khách du lịch…