Hưng Yên - mảnh đất văn hiến
Vào thế kỷ 16 - 17, Phố Hiến (Hưng Yên) là một thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam, là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Cùng với kinh đô Thăng Long - nơi phồn vinh nhất nước, Phố Hiến là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai với câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Bang giao cùng thiên hạ, Phố Hiến là thương cảng lớn nhất Đàng Ngoài, nơi hội tụ giao lưu của các thương gia đến từ các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Hoa...
Tỉnh Hưng Yên hiện có 1.802 di tích lịch sử văn hóa; trong đó, có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng hàng ngàn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị.
Hưng Yên là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt như Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu), Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng (Văn Lâm), Lễ hội đền Đậu An (Tiên Lữ)..., cùng hàng trăm làng nghề truyền thống như Hương xạ thôn Cao, đan đó Thủ Sỹ, hoa - cây cảnh Văn Giang, đúc đồng Lộng Thượng, nhiều đặc sản nổi tiếng hấp dẫn du khách như: nhãn lồng, gà Đông Tảo, bún thang lươn, chè sen long nhãn... Bên cạnh đó, Hưng Yên còn được biết đến là nơi có những dòng sông cổ, ngôi làng cổ đã tạo nên nét độc đáo riêng có cho du lịch Phố Hiến.
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia Đăng Duy Bài cho biết, làng Nôm hơn 200 năm tuổi, ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm chính là “biểu trưng” của văn hóa làng Việt, nơi bao chứa một quần thể di tích cổ kính gồm cổng làng, giếng nước, sân đình, chùa Nôm, những ngôi nhà truyền thống và độc đáo nhất chính là chiếc cầu đá. Đây chính là “báu vật trăm năm” của Hưng Yên còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc và tiêu biểu đại diện cho di sản văn hóa làng ở Bắc bộ. Đây chính là nơi khởi nguồn, dung dưỡng và trao truyền các giá trị di sản văn hóa quốc gia.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh, Quỹ Văn hiến Việt Nam, đặc trưng cơ bản tạo nên bản sắc văn hóa của vùng Hưng Yên - Phố Hiến chính là đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội gắn liền phù sa và mạch nguồn của các dòng sông (sông Hồng, sông Luộc, sông An Cửu, sông Kẻ Sặt). Do vậy, tỉnh Hưng Yên cần nghiên cứu phục hồi, cải tạo và nâng cấp các dòng sông cổ nhằm phát huy giá trị lịch sử, cũng như phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Việc khai thông nguồn mạch của các dòng sông chính là khơi thông nguồn mạch của truyền thống văn hóa Hưng Yên.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Sen cho rằng, mặc dù là tỉnh duy nhất không có núi, không có biển nhưng Hưng Yên có hệ thống sông ngòi dày đặc, nổi bật là sông Hồng và sông Luộc, với cảnh quan sông nước thơ mộng, có khả năng kết nối với các điểm du lịch. Địa hình đồng bằng với đất đai màu mỡ, phù hợp trồng trọt các loại hoa cây ăn quả, cây dược liệu, tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn với những đồng quê, làng hoa.
Theo bà Nguyễn Thị Sen, sau đại dịch COVID-19, du lịch của tỉnh bước đầu có dấu hiệu phục hồi. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hưng Yên đạt 450.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 5.000 lượt, với doanh thu đạt 400 tỷ đồng, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 480.000 lượt, trong đó 3.000 lượt là khách quốc tế.
Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, Hưng Yên sở hữu tiềm năng phát triển với nền văn hóa đậm đà bản sắc cùng nhiều làng nghề, khu di tích lịch sử. Tuy nhiên, du lịch Hưng Yên lại gặp những khó khăn nhất định. Phải kể đến là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, việc liên kết giữa các sản phẩm du lịch, không gian du lịch của tỉnh với các sản phẩm không gian du lịch Đồng bằng sông Hồng còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh gắn với các khu điểm di tích trong tỉnh còn mang tính thời vụ, chủ yếu vào mùa Xuân, mùa lễ hội…
Với tiềm năng du lịch dồi dào và lợi thế về vị trí địa lý giáp Thủ đô Hà Nội, ngành Du lịch tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch như: thiết lập kênh Youtube quảng bá du lịch Hưng Yên, App mobile du lịch Hưng Yên, trang Fanpage Hung Yen Tourism. Đồng thời, ngành tích cực tham gia, tổ chức các sự kiện du lịch lớn như phối hợp với doanh nghiệp du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên; Hội chợ nhãn lồng Hưng Yên…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn lực văn hóa ở Hưng Yên rất giàu có, phong phú, đa dạng nhưng tất cả mới dừng lại ở dạng tiềm năng. Do vậy, tỉnh cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung, nguồn lực văn hóa nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình hoàn thiện thể chế, Hưng Yên cần bổ sung chính sách thu hút và sử dụng nhân tài, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chú trọng ở khâu phát hiện, nuôi dưỡng, đào tạo, sử dụng và tôn vinh. Cùng với đó, rà soát, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở…
Để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang những nét đặc trưng riêng có của Hưng Yên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các sản phẩm hiện có để nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm phù hợp với xu hướng của thị trường. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, thiết kế, xây dựng các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của từng địa phương trong tỉnh để tạo nét hấp dẫn, thu hút thị trường và tạo dựng thương hiệu riêng. Trong đó, tỉnh tập trung vào các sản phẩm du lịch gắn với hệ thống di tích lịch sử văn hóa; sản phẩm du lịch gắn với lễ hội truyền thống; sản phẩm du lịch nông thôn.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; huy động sự tham gia của các bên liên quan (cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch) trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, không bi trùng lặp, nhưng vẫn mang giá trị đặc sắc, độc đáo riêng có của mảnh đất Phố Hiến.