Năm 2013 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chọn là Năm du lịch đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với chủ đề “Văn minh sông Hồng - Hải Phòng năm 2013”. Để có thể khai thác sản phẩm du lịch mới, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch đến từ mọi miền đất nước, nhằm góp ý cho các tỉnh vùng ĐBSH.
Du lịch ĐBSH - vùng đất giàu tiềm năng
ĐBSH với 11 tỉnh, thành, được coi là cái nôi của nền văn minh sông Hồng với nhiều nét văn hóa đặc sắc, các lễ hội, hệ thống đình đền chùa gắn liền với không gian làng Bắc bộ... Tuy nhiên, ngoại trừ Ninh Bình có kế hoạch phát triển du lịch bài bản, Hà Nội là trung tâm trung chuyển khách, còn lại du lịch vùng ĐBSH vẫn bị lãng quên.
"Vùng trũng" du lịch
Nói đến du lịch ĐBSH, 3 điểm chính mà các công ty lữ hành đưa khách tới là Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long (Quảng Ninh); còn các điểm đến khác trong vùng thuộc các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, hầu như không có tên trong các tour du lịch. “Có chăng vào dịp lễ hội, dựa trên nhu cầu của từng đoàn khách, các công ty lữ hành chuyên nội địa sẽ tổ chức riêng tour theo yêu cầu. Hết mùa lễ hội thì gần như không có khách”, anh Hoàng Thế Hậu, Công ty Lữ hành Đại Việt cho hay.
Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) hấp dẫn du khách. |
Là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, vùng ĐBSH được đánh giá là có tiềm năng đối với phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, tuy nhiên để khai thác được tiềm năng này phải tạo ra được sản phẩm du lịch rõ nét. “Cụ thể, khi xác định làng nghề hoặc đền chùa nào đó là điểm du lịch thì phải có quy hoạch và hệ thống hạ tầng đồng bộ, đầu tư cho cảnh quan môi trường, những nét đặc trưng, quà lưu niệm và quan trọng là khách có thể tham quan trải nghiệm cùng với người dân vùng đó. Nếu lấy quốc lộ 10 nối từ Tràng An (Ninh Bình) đến Cát Bà - Hạ Long làm trục du lịch chính thì các điểm du lịch tại các tỉnh vùng ĐBSH không nên quá xa quốc lộ 10 để thuận tiện đi lại. Thực tế tuyến khảo sát cho thấy tại Thái Bình, Hưng Yên, điểm du lịch khá xa nhau nên chỉ khi nào khách có nhu cầu thì làm tour riêng. Còn tour cố định để nối tuyến từ Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long đang triển khai sẽ khó khăn và đẩy giá tour lên cao, khó thu hút khách”, chị Hồng Hoa, Trưởng văn phòng đại diện Vietrantour Đà Nẵng cho biết.
Đại diện các công ty lữ hành đều cho rằng, tiềm năng du lịch ĐBSH là rất lớn, “nhưng để thành sản phẩm du lịch thì các tỉnh vùng ĐBSH nên ngồi lại với nhau và mỗi tỉnh chỉ nên đầu tư vào một thế mạnh của mình; tập trung quảng bá tuyên truyền, liên kết thành tuyến sẽ hiệu quả hơn”, chị Nguyễn Thu Nga, Giám đốc Công ty Du lịch Đồng Tháp cho biết.
Lựa chọn du lịch sinh thái - biển đảo
Dựa trên nhu cầu thị trường khách, đại diện các công ty lữ hành đều cho rằng, lợi thế lớn nhất của vùng ĐBSH chính là du lịch sinh thái và du lịch biển đảo. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc Ninh Bình tập trung khai thác vùng sinh thái Tràng An và Hải Phòng tập trung khai thác vùng Cát Bà nối tuyến với Hạ Long. Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist, đánh giá: “Cát Bà có những lợi thế mà Hạ Long không có, đó là trong vịnh Lan Hạ có những bãi tắm mi ni và khu di tích nổi bật như Pháo đài Thần Công, Hang Quân y và Vườn quốc gia Cát Bà”.
Ông Lưu Đức Kế, Công ty Hanoitourist: Nếu lấy chủ đề Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 là "Văn minh sông Hồng", nên có tour dọc sông Hồng, trong đó nên tái hiện chiến tích lịch sử Bạch Đằng Giang hào hùng.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM: Qua khảo sát, các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM nhận thấy vùng đồng bằng sông Hồng rất hấp dẫn khách các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát lại chi tiết từng tuyến điểm, dịch vụ ở các điểm du lịch để có thể đưa ra tour tuyến, giá cả hợp lý nhất, đặc biệt là mùa thấp điểm khai thác giá vé rẻ của hàng không.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: Vấn đề quy hoạch mà Tổng cục Du lịch đang chủ trì cần có sự tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, vì chỉ có doanh nghiệp tạo ra sản phẩm thực tế. Với những điểm du lịch chính như Ninh Bình, bên cạnh chùa Bái Đính, thì cũng nên tái tạo đoạn tường thành cổ để thành điểm nhấn tới du khách. Bên cạnh đó là phát triển du lịch biển đảo tuyến Cát Bà - Hạ Long - Bái Tử Long cần chú ý đến vấn đề môi trường, thực tế khảo sát đảo Quan Lạn cho thấy bãi biển Minh Châu đang bị hàng quán xâm lấn, rừng tràm 100 tuổi đang bị chặt hạ nhiều để làm khu du lịch. Phát triển du lịch bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường. |
Ông Phan Đức Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Thống kê của du lịch Hải Phòng cho thấy, 80% lượng khách đến Hải Phòng là đến Cát Bà và thu nhập chính là từ đây. Do đó, Hải Phòng xác định liên tuyến Cát Bà - Đồ Sơn kéo khách từ Hạ Long sang và Ninh Bình về là hợp lý. Vấn đề là Hải Phòng cần tạo ra sản phẩm đặc trưng tại vùng Cát Bà để thu hút khách”.
Liên quan đến sự phát triển du lịch Cát Bà, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng: Việc khai thác du lịch Cát Bà đang phụ thuộc vào thời tiết. Cát Bà luôn quá tải vào mùa hè, trong khi đó mùa đông thì vắng khách. Do đó, du lịch Cát Bà cần có những sản phẩm để giãn khách mùa đông. Chị Trần Việt Hương, Trưởng phòng sản phẩm Vietravel cho biết: “Cát Bà có lợi thế về những điểm quan sát vịnh và những di tích lịch sử đặc sắc có thể kéo khách đến trong mùa đông. Ngay sau chuyến khảo sát, đơn vị sẽ thiết kế tung ra sản phẩm tên gọi “Cát Bà không có mùa đông” bán ngay đầu năm 2013. Muốn vậy, bên cạnh việc cập nhật thông tin về điểm đến, khả năng sẵn sàng đón khách, thì việc đẩy mạnh quảng bá là điều cần thiết để doanh nghiệp dễ kéo khách từ trong Nam ra”. Nếu làm được điều này thì du lịch miền Bắc sẽ dần khắc phục tính mùa vụ trong du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, “vài năm nữa, hệ thống giao thông hạ tầng trong khu vực sẽ được kết nối, trong đó, sân bay Cát Bi; đường cao tốc Đình Vũ - Cát Bà; quốc lộ 5 mới nối thông với quốc lộ 18 sẽ là cơ hội cho du lịch phát triển. Tiềm năng nổi bật vùng ĐBSH và duyên hải Bắc bộ với sản phẩm du lịch biển đảo theo trục Hạ Long - Cát Bà - Bái Tử Long sẽ là sự khác biệt lớn nhất trong cạnh tranh khu vực; tiếp đến là loại hình du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh dựa trên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với tâm điểm là Hà Nội và khai thác thế mạnh vùng sinh thái, cảnh quan Ninh Bình.
Xuân Cường