Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Trưởng đoàn khảo sát tuyến du lịch ĐBSH về khả năng khai thác tiềm năng du lịch vùng này.
´Thưa ông, xin ông cho biết đâu là lợi thế của vùng ĐBSH, có thể khai thác thành sản phẩm du lịch?
Đặc trưng của vùng ĐBSH là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng và một phần du lịch cộng đồng. Qua quá trình khảo sát cho thấy, các điểm đến vùng ĐBSH khá hấp dẫn nhưng chưa được doanh nghiệp lữ hành khai thác nhiều. Khi tổ chức chuyến khảo sát, chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành và cho thấy khu vực này có tiềm năng phục vụ khách. Chúng tôi xác định một số tỉnh là đầu tàu để kéo các vùng khác gồm Hạ Long - Cát Bà, Ninh Bình. Đây là trung tâm không chỉ thu hút khách nội địa, mà cả khách quốc tế, do đó cần liên kết 3 trục chính Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh. Liên kết không chỉ giữa các địa phương mà là sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Thực tế, đây là nhu cầu từ hai phía: Địa phương thu hút khách đến và công ty cũng cần sản phẩm để bán cho khách. Vấn đề là nhà quản lý ngành du lịch phải đưa hai nhu cầu này gặp nhau. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy không chỉ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương mà cấp huyện, thị xã có điểm du lịch rất quan tâm và sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch đầu tư biến tiềm năng thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Chúng tôi không hy vọng tạo tour liên kết tất cả các tuyến điểm sông Hồng mà chỉ đưa ra các đầu bài để doanh nghiệp tự chọn kết hợp với các điểm đến để thiết kế tour có thể là 2 tỉnh hoặc 3 tỉnh hoặc các điểm giữa các địa phương gần nhau tạo thành tuyến du lịch tâm linh gắn với sinh thái, tour nghỉ dưỡng gắn với du khảo đồng quê.
´Vùng ĐBSH nổi tiếng với nền văn minh lúa nước, liệu có thể phát triển loại hình này?
Đúng là vùng ĐBSH có nền văn minh lúa nước và thế mạnh của vùng này là du lịch nông nghiệp, nhưng chúng ta chưa khai thác được, do vậy thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn loại hình này. Loại hình du lịch mà thế giới đang đẩy mạnh khai thác là du lịch nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng. Hiện có một số mô hình triển khai ở Ninh Bình khá tốt.
Thực tế có rất nhiều phương án để khai thác sản phẩm du lịch; vấn đề là cam kết của các địa phương, doanh nghiệp khai thác như thế nào.
Qua khảo sát chúng ta thấy, vấn đề uy tín và tạo dựng thương hiệu là quan trọng, đó là mục tiêu mà ngành du lịch hướng tới. Đó là du lịch có chất lượng, có thương hiệu, từ chiều rộng đến chiều sâu, phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, hiệu quả của việc phát triển du lịch.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường