Nâng cấp sản phẩm đặc thù phát triển du lịch Cà Mau

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động du lịch của tỉnh Cà Mau tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách đến với các khu, điểm du lịch trên địa bàn ước đạt 5.120.000 lượt, đạt 61% so kế hoạch năm 2025. Tổng thu du lịch ước đạt 4.890 tỷ đồng, đạt 57% so với kế hoạch năm.

Nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn đã thu hút đông đảo du khách. Cụ thể như: cách dinh thự Công tử Bạc Liêu khoảng 20 km về phía biển, du khách có thể tham quan, trải nghiệm, check-in và hòa mình vào không khí trong lành của biển cùng những cánh đồng điện gió độc đáo, hấp dẫn bậc nhất miền Tây khi đến với Khu du lịch sinh thái điện gió Hòa Bình 1. Đến đây, du khách có thể tham gia các hoạt động câu cá dưới trụ tua-bin gió, đạp xe tham quan xuyên các cánh rừng đước, rừng mắm; được giới thiệu về lợi ích của rừng cũng như các mối nguy hiểm tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, qua đó lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên.

Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty điện gió Hòa Bình 1 cho biết, tận dụng cảnh đẹp của cánh đồng điện gió trên biển kết hợp bảo vệ, khai thác du lịch sinh thái ở những tán rừng ngập mặn, công ty đã biến nơi đây trở thành điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn; đồng thời, quảng bá hình ảnh sử dụng điện năng lượng sạch kết hợp du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch của tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đơn vị kỳ vọng sau khi 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu (cũ) hợp nhất thành tỉnh Cà Mau (mới), ngành du lịch sẽ có nhiều không gian phát triển và khởi sắc hơn.

Tại Trung tâm của phường Bạc Liêu, nhà hát Cao Văn Lầu luôn là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau. Nhà hát là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm các bộ môn: Cải lương, dù kê, ca múa nhạc tổng hợp truyền thống và đương đại; đào tạo; sưu tầm; bảo tồn; truyền nghề và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc, thông qua các hình thức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp… Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc nhà hát Cao Văn Lầu mong rằng, thời gian tới, nhất là sau khi hợp nhất tỉnh Bạc Liêu (cũ) với Cà Mau thành tỉnh Cà Mau (mới), hoạt động biểu diễn của đơn vị tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách khi đến địa phương, là điểm đến hấp dẫn của du lịch Cà Mau hiện nay và tương lai.

Ngoài ra, Khu du lịch Mũi Cà Mau (cách trung tâm thành phố Cà Mau hơn 100 km) là một điểm đến nổi tiếng, đánh giá điểm cực Nam Tổ quốc. Thời gian qua, Mũi Cà Mau thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết. Khu vực này có nhiều công trình ý nghĩa như: Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng cột cờ Hà Nội, đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ; biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh… Tại đây, tỉnh đã triển khai nhiều tuyến du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách như: Tuyến xuyên rừng ngập mặn, ngắm bãi bồi, bắt nghêu, các khu cộng đồng…

Chú thích ảnh
Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Theo ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã tăng cường được đầu tư nâng cấp một số sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch cộng đồng gắn với khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau, tuyến du lịch về nguồn - tham quan các công trình văn hóa, nhà Công tử Bạc Liêu. Đồng thời, các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Khu du lịch Khai Long, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng... tiếp tục thu hút đông du khách.

Ngoài ra, Sở còn đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh tại sự kiện, lễ hội văn hóa - du lịch, ứng dụng chuyển đổi số gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, văn hóa ẩm thực địa phương. Từ đó, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kết nối tour, tuyến du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách khi đến Cà Mau.

Chanh Đa (TTXVN)
Cần phối hợp đồng bộ để phát triển du lịch xanh tại Việt Nam
Cần phối hợp đồng bộ để phát triển du lịch xanh tại Việt Nam

Du lịch xanh và du lịch trị liệu đang trở thành hướng đi bền vững cho ngành du lịch Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, ngành du lịch cần một chiến lược phát triển đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và cộng đồng địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN