Đầm Đông Hồ là một trong những vùng đất ngập nước, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với diện tích tự nhiên 1.384,36 ha (chiều rộng 3,5 km; chiều dài 4,6 km), trong đó diện tích mặt nước là 903,34 ha, diện tích rừng ngập mặn 249,53 ha; đất thổ cư, vườn tạp 29,16 ha; đất nuôi trồng thủy sản 171,23 ha nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia.
Đầm được các kênh nước ngọt Giang Thành - Vĩnh Tế, Rạch Giá - Hà Tiên, Rạch Két, Rạch Láng, Mương Đào, Rạch Ụ chảy vào. Đầm Đông Hồ ăn thông với cửa biển Trần Hầu nên ảnh hưởng chế độ nhật triều của vịnh Thái Lan. Vì vậy, đầm Đông Hồ có nguồn thức ăn phong phú và đa dạng: 142 loài P hytoplankton, trong đó tảo silic chiếm nhiều nhất 86 loài, tiếp đến tảo lục 26 loài ; tảo mắt 12 loài; tảo lam 10 loài; tảo giáp 8 loà i . Mùa khô phát hiện 107 loài vào mùa mưa 98 loài. Ngoài ra phát hiện 66 loài Zooplankton, nhiều nhất ở nhóm Copepoda 35 loài, Cladocera 15 loài, Chaetognata 4 loài và nhóm Decapoda 3 loài. Ngoài ra còn phát hiện được 7 dạng ấu trùng của các dạng chưa trưởng thành. Đã phát hiện 24 loài Benthos, trong đó nhóm Polychaeta là 14 loài, nhóm Crustacea có 7 loài, nhóm Bivalvia có 3 loài. Đáp lại là một khu hệ thủy sản có 96 loài cá thuộc 50 họ, trong đó có 3 loài cá số lượng nhiều là loài cá trác vây đuôi dài chiếm 17,5%, loài cá tía (cá đổng tía chiếm 12% và loài cá tráo mắt to chiếm 9,2% cho phép khai thác với sản lượng cao quanh năm. Ở cửa ra đầm Đông Hồ và các cửa kênh thoát lũ phát hiện ra các nhóm cá nước mặn, nước ngọt tùy thuộc sự thay đổi độ mặn theo mùa trong năm.
Một góc đầm Đông Hồ. Nguồn Internet
|
Đa dạng sinh học cây rừng ngập mặn đầm Đông Hồ khá cao, có hơn 25 loài cây rừng ngập mặn chủ yếu, trong đó có ô rô tím, ráng đại, ráng biển thường, sú, mấm trắng, mấm biển, mấm đen, vẹt trụ, vẹt khang, dà quánh, quao nước, giá, cui biển, tra nhớt, cóc đỏ, cóc vàng, cóc hồng (cây lai), dừa nước, đước đôi, côi, bần trắng, bần chua , b ần ổi, tra bồ đề, xu Mekong . Đây là hàng rào thực vật có giá trị tự nhiên cao, đóng vai trò trong việc mở rộng đất liền, và nuôi dưỡng các động vật vùng triều và bảo vệ đê biển, môi trường, đặc biệt trong thời kỳ biến đổi khí hậu .
Trong những năm gần đây, việc khai thác thủy sản trong lòng hồ ngày càng gia tăng với khoảng 300 - 400 dàn đăng, gần 100 miệng đáy và hơn 100 phương tiện làm nghề xiệp của ngư dân ở khu vực Cừ Đứt, Tô Châu và một số ngư dân ở các nơi khác đến tiến hành đánh bắt suốt ngày đêm trong khu vực đầm Đông Hồ. Do hình thức khai thác tận thu trong lòng hồ diễn ra khá mạnh và kéo dài nên nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ ngày một giảm, mặt khác diện tích các cồn nổi lên trong lòng hồ ngày một tăng dẫn tới giảm khả năng trữ nước của hồ, đặc biệt vào thời kỳ mùa khô làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sinh trong giai đoạn này.
Vào thời kỳ mùa lũ, khu vực đầm Đông Hồ và toàn vùng đất trũng của thị xã Hà Tiên sẽ bị ảnh hưởng ô nhiễm mạnh của các khoáng chất hòa tan trong nước, thành phần mùn, các chất không hòa tan và hàm lượng phù sa cao cuốn theo nước lũ tràn về từ thượng nguồn qua sông Mêkông và tràn qua biên giới Campuchia vào vùng nghiên cứu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước của thị xã Hà Tiên và vùng ven bờ.
Theo qui hoạch sử dụng đất đầm Đông Hồ cho thấy, diện tích mặt nước vẫn được ưu tiên giữ nguyên hiện trạng để duy trì cảnh quan môi trường sinh thái lòng hồ phục vụ cho các mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, phát triển thủy sản và tạo cảnh đẹp cho vùng thị xã Hà Tiên. Ngoài ra, diện tích đất rừng sinh thái ngập mặn cũng được mở rộng và duy trì ở mức 30% diện tích phục vụ cho mục tiêu làm đẹp cảnh quan, tăng cường tính đa dạng sinh thái cho vùng lòng hồ và góp phần xử lý các chất thải từ các nguồn xuống lòng hồ bởi các vi sinh vật dưới tán rừng.
Bên cạnh giá trị sinh học cao thì giá trị văn hóa của đầm Đông Hồ cũng vô cùng to lớn. Đầm Đông Hồ gắn liền với Hà Tiên thập cảnh của Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích (con trai Mạc Cửu - khai quốc công thần trấn Hà Tiên) chủ soái thành lập. Là Tao đàn thứ hai trong cả nước và là duy nhất của trời Nam. Cùng với núi Tô Châu, Đông Hồ Ấn Nguyệt đi vào thơ ca, lòng người hàng trăm năm. Nhắc đến Đông Hồ, người ta nhớ một đôi thi sĩ đẹp Đông Hồ - Mộng Tuyết. Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phát, được mệnh danh là “ông tổ” của thư pháp chữ Việt, ông còn là giáo sư của trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Khách du lịch dừng chân tại Hà Tiên thường ghé thăm nhà lưu niệm của nữ thi sĩ Mộng Tuyết, là một trong những nhà thơ mới tiêu biểu của miền Nam.
Mới đây, một cuộc hội thảo về đầm Đông Hồ được nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung vào 3 chuyên đề chính là Bảo tồn giá trị của đất ngập nước, rừng ngập mặn, tính đa dạng sinh học của đầm Đông Hồ; tập hợp ý kiến về định hướng bảo tồn các giá trị theo đặc thù của vùng đất Hà Tiên; giải pháp khả thi, lộ trình thời gian, kế hoạch phát triển, khai thác những giá trị đó trong việc tổ chức đời sống cộng đồng xã hội. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển giá trị đầm Đông Hồ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng phó với nước biển dâng; hiện trạng sinh kế, vấn đề môi trường - xử lý môi trường, định hướng quy hoạch và thực hiện quy hoạch đầm Đông Hồ gắn kết với chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Hà Tiên để khai thác kinh tế du lịch...
Là một vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang, hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập mặn vùng Hà Tiên được đánh giá là hệ sinh thái đặc biệt, trong đó đầm nước mặn Đông Hồ là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống đầm phá ven biển của Việt Nam. Đầm Đông Hồ đã gắn liền với đời sống lịch sử xã hội của vùng đất Hà Tiên. Giá trị về tài nguyên thiên nhiên của đầm Đông Hồ đã góp phần rất lớn phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tiên hơn 300 năm qua.
Quy hoạch tổng thể đầm Đông Hồ theo hướng vừa bảo tồn, vừa khai thác phát triển bền vững về du lịch sinh thái. Song song với quy hoạch nâng cấp thị xã Hà Tiên lên đô thị loại 3, tiến tới mục tiêu xây dựng thành phố văn hóa - du lịch, việc lập quy hoạch chung đầm Đông Hồ đã được triển khai từng bước nhằm đảm bảo mục tiêu về bảo tồn, khôi phục và phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ giá trị di sản văn hóa vùng đất Hà Tiên./.
Lê Sen