Điều này cho thấy hiệu quả của việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường khách du lịch, nhất là dòng khách Hồi giáo mà ngành Du lịch địa phương này đang theo đuổi.
Tối 18/2, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng đến tặng quà chúc mừng lễ cưới của một tỷ phú Ấn Độ là chú rể Vivek Dinodiya (Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu toàn cầu PL Global Impex Pte Ltd) và cô dâu Anmol Garg cùng sự tham gia của hàng trăm khách mời; trong đó có các quan chức Chính phủ Ấn Độ, đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, các thương gia, chủ doanh nghiệp lớn tại Ấn Độ, các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Sau khi khảo sát nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, gia đình tỷ phú Ấn Độ này lựa chọn tổ chức lễ cưới tại thành phố Hạ Long, nơi có Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong 3 ngày (từ ngày 16 - 18/2).
Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long chia sẻ, thành phố rất quan tâm và ủng hộ chương trình chào đón các sự kiện như thế này. Đây là dịp để quảng bá rộng rãi về mảnh đất, con người và kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, dân số hơn 1,4 tỷ người, khoảng 25 triệu khách du lịch ra nước ngoài mỗi năm và sắp tới dự kiến tăng lên 35 triệu khách.
Cùng với thị trường Ấn Độ, khách Hồi giáo là thị trường còn khá mới mẻ, tuy nhiên, du lịch Quảng Ninh gây ấn tượng với du khách bởi sự an toàn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người thân thiện, chất lượng dịch vụ đẳng cấp. Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỷ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới. Riêng khu vực Đông Nam Á có gần 300 triệu người Hồi giáo. Du khách Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Quảng Ninh xác định đây là một trong những thị trường tiềm năng cần xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Nguyễn Huyền Anh cho rằng, tỉnh tăng cường kết nối các đơn vị lữ hành của Ấn Độ với doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh; quảng bá cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đa dạng của dòng khách Ấn Độ…
Bà Nguyễn Huyền Anh chia sẻ, để thu hút khách Hồi giáo, Quảng Ninh phải có cơ sở hạ tầng tốt phù hợp thói quen của họ, có sản phẩm chứng nhận Halal và mời chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo.
Trước đó, năm 2023, Quảng Ninh tổ chức đón nhiều đoàn khách Hồi giáo đến từ Ấn Độ; hội thảo chuyên đề tìm “Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo - Du lịch Halal”. Đồng thời, tỉnh vận động khách sạn đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của dòng khách Hồi giáo.
Du lịch Hồi giáo (du lịch Halal) đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Gần đây, thị trường khách Trung Quốc và một số nước châu Âu bị giảm sút do yếu tố khách quan nên việc tìm kiếm thị trường khách mới, trong đó có dòng khách Hồi giáo được doanh nghiệp lữ hành quan tâm.
Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây, số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Năm 2013, có khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch, đến năm 2019 đạt 160 triệu lượt. Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021, tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, có khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD.
Lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định, cần quan tâm phát triển thị trường mới, có tiềm năng, trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ…
Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2024 đón khoảng 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đón khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt, đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững.