Từ ngày 7 - 14/2 (tức 28 tháng Chạp đến Mùng 5 tháng Giêng), các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón hơn 70.000 lượt khách nội địa, trên 1.500 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 33 tỷ đồng.
Dịp nghỉ Tết, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: Trưng bày triển lãm 10 sự kiện tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2023 và cụm ảnh "Xuân, Mâm ngũ quả - Bánh dân gian nét đẹp văn hóa ngày Tết"; Chương trình nghệ thuật chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào năm Giáp Thìn 2024 và bắn pháo hoa chào mừng năm mới; lễ đón khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Vĩnh Long; thực hiện đường gốm và hoa cùng các tiểu cảnh mừng Xuân…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, điểm nhấn trong hoạt động văn hóa, du lịch tại tỉnh dịp Tết Nguyên đán năm nay là đường gốm và hoa phục vụ nhân dân, du khách. Con đường dài 700m, rộng hơn 9m xây dựng trong khoảng 20 ngày với gần 200 người tham gia thực hiện. Dọc đường có tiểu cảnh thực hiện từ trên 2.000 sản phẩm gốm các loại. Mỗi phân đoạn của đường gốm và hoa được bố trí, sắp đặt mang thông điệp, ý nghĩa riêng, thể hiện trí tuệ, bản sắc văn hóa của người Việt nói chung và người Vĩnh Long nói riêng. Con đường được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục "Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam".
Đường gốm và hoa phục vụ nhân dân từ ngày 2 - 19/2 (ngày 23 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng) và điều chỉnh một số tiểu cảnh phù hợp tiếp tục duy trì tới dịp lễ 30/4 và 1/5/2024. Ngoài đường gốm và hoa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tiểu cảnh vườn gốm đỏ tại khu vực Bến cảng hành khách Vĩnh Long.
Tiểu cảnh đan xen giữa gốm và hoa thông qua nghệ thuật sắp đặt và mang đầy sắc Xuân, góp phần tạo vẻ mỹ quan khu vực Bến cảng, điểm nhấn người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh. Theo thống kê, tổng lượt khách đến các địa điểm trên tham quan, chụp ảnh đạt hơn 32.000 lượt.
Chị Hồ Thị Thùy Trang (Phường 2, thành phố Vĩnh Long) chia sẻ, đường gốm và hoa Xuân Giáp Thìn năm 2024 có nét đẹp xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại, rất sinh động. Sản phẩm gốm được đan xen với hoa rất hài hòa, trong đó, ấn tượng là những bếp lò ngun ngút khói và gian nhà lá truyền thống gợi nhớ không gian Tết xưa.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Phó Giám đốc Khu du lịch Vinh Sang (xã An Bình, huyện Long Hồ) Huỳnh Thế Cường cho biết, dịp Tết năm nay, lượng khách đến cơ sở tăng khoảng 20%, cao điểm ngày mùng 4 Tết, cơ sở đón trên 1.600 lượt khách.
Dù kỳ nghỉ Tết đã hết nhưng trong các ngày 15 và 16/2 (tức Mùng 6 và Mùng 7 tháng Giêng), cơ sở đón lượng lớn du khách từ các nơi đến tham quan. Để thu hút khách đến tham quan, dịp Tết năm nay, cơ sở giữ nguyên giá dịch vụ, xây dựng gói trò chơi với giá ưu đãi, đồng thời xây dựng thêm nhiều tiểu cảnh...
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Trà Ôn tổ chức Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn vào ngày 12 - 13/2 (tức mùng 3 - 4 tháng Giêng) tại ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ. Đây là một trong những lễ hội có quy mô lớn của tỉnh, được tổ chức trọng thể. Lễ hội thu hút khoảng 15.000 lượt người viếng Lăng Ông và tham gia hoạt động, giao lưu văn hóa nhằm bày tỏ lòng nhớ công lao tiền nhân trong bước đường khai hoang mở đất, đồng thời cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, trong giai đoạn chuẩn bị phục vụ Tết, Sở thường xuyên nhắc nhở cơ sở du lịch thực hiện nghiêm việc tổ chức vui Xuân an toàn, an ninh trật tự. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực, thực hiện tốt khâu quảng bá hình ảnh điểm đến, đồng thời bán đúng giá niêm yết...
Các hoạt động này đóng góp tích cực vào việc tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm không khí ngày Tết cổ truyền tại Vĩnh Long.