Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, chỉ trong 7 ngày (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) tỉnh đón 635.000 lượt khách (tăng 48,7%), tổng thu du lịch đạt khoảng 588 tỷ đồng, tăng 51% so với dịp Tết Nguyên đán 2023.
Các địa phương có trọng điểm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh ghi nhận lượng khách tăng cao như: Thành phố Thanh Hóa khoảng 100.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) 40.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) khoảng 90.000 lượt khách; Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) khoảng 91.000 lượt khách; thành phố Sầm Sơn với 65.000 lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) 40.000 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) 4.000 lượt khách; Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) thu hút 4.500 lượt khách...
Đặc biệt, nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn một số khu nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng như FLC Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn), Anh Phát Hotels & Resorts (thị xã Nghi Sơn) và các khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước)... để đón Giao thừa và trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết: Chuẩn bị đón lượng khách lớn đến với địa phương trong dịp lễ hội đầu Xuân, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, điều kiện cần thiết để lễ hội diễn ra hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa địa phương. Đặc biệt, không để tình trạng lợi dụng đông người để tuyên truyền nội dung phản động, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, cờ bạc trá hình... Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống trong lễ hội.
Theo kế hoạch, Sở phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức và hoạt động lễ hội, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm.
Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với hơn 1535 di tích di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ. Trong đó, lễ hội mùa xuân sẽ kéo dài từ tháng Giêng cho tới tận tháng Ba âm lịch.