Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, dịp này, tỉnh ước đón 82.309 lượt khách, tăng 41,8% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 6.609 lượt khách quốc tế, 75.700 lượt khách nội địa, 6.725 lượt khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch ước đạt 53,06 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, tính đến hết mùng 5 Tết, các di tích trên địa bàn huyện đón khoảng 3 vạn lượt du khách. Trong đó, các di tích đông nhất là đền Tranh (xã Đồng Tâm), đền thờ Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ (xã Kiến Quốc) và chùa Trông (xã Hưng Long). Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) những ngày qua chứng minh được sức hút ngày càng lớn của một di tích đang trong hành trình trở thành di sản thế giới khi đã đón trên 12 vạn lượt du khách trong dịp Tết này. Các địa phương khác trong tỉnh Hải Dương đều ghi nhận lượng khách du Xuân tham quan tăng cao.
Ông Hà Quang Thành, Trưởng ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết, cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa - chùa Giám - đền Bia và Văn miếu Mao Điền đã đón 3,5 vạn lượt khách trong 7 ngày nghỉ Tết, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Riêng đền Bia đón khoảng 2 vạn lượt khách. Lượng du khách tới Văn miếu Mao Điền cũng tăng cao so với nhiều năm.
Bên cạnh du khách nội địa, Hải Dương còn là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà không thu hút bởi cảnh đẹp về kiến trúc của di tích mà thu hút bởi chính di sản múa rối nước. Ngày mùng 4 Tết, đoàn khách nước ngoài quốc tịch Anh, Pháp, Australia, Canada… đã đến tham quan và thưởng thức những tiết mục múa rối nước được biểu diễn ngay tại thủy đình ở trung tâm xã. Trải nghiệm cảm giác về vùng nông thôn Hải Dương, hòa mình cùng người dân địa phương xem các tích trò rối nước phản ánh những nét đẹp làng quê Việt, đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân Việt Nam sẽ là kỷ niệm đẹp với các vị khách quốc tế trong hành trình du Xuân khám phá vẻ đẹp Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền.
Bên cạnh điều kiện thuận lợi về thời tiết, một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách là những nỗ lực trong quản lý, phục vụ du khách, quảng bá và giới thiệu di tích tới đông đảo nhân dân.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tập trung trang trí lại cảnh quan, làm đẹp khuôn viên di tích: trồng mới nhiều loại hoa, bổ sung các chậu hoa đặc trưng ngày Tết như cúc, trạng nguyên; trang hoàng cờ dây, đèn lồng; bố trí thêm nhiều điểm tiểu cảnh cho nhân dân chụp ảnh, các khu vực viết chữ thư pháp được sắp xếp ở nhiều điểm di tích thuận lợi cho du khách xin chữ đầu năm, trưng bày ảnh giới thiệu vẻ đẹp và những giá trị của di tích được Ban Quản lý chuẩn bị kỳ công. Đặc biệt, nét mới ở di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay là du khách đến với di tích được phát lộc đầu xuân gồm 1 gói muối may mắn, được tham gia trải nghiệm tự tay mình viết thư pháp; làm những đóa hoa sen, hoa mai, hoa đào từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường; được thưởng thức trà sen Kiếp Bạc, trà cúc Côn Sơn là những vật phẩm tinh túy từ vùng đất linh thiêng Côn Sơn - Kiếp Bạc; được trải nghiệm đọc sách trong khuôn viên di tích; được ghi ước nguyện đầu năm gửi gắm hy vọng một năm mới tốt lành.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, huyện Cẩm Giàng thành lập Ban phục vụ các di tích quốc gia đặc biệt do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Các phòng ban liên quan là thành viên. Thời gian hoạt động trong 9 ngày trước và sau kỳ nghỉ Tết.
Theo ông Hà Quang Thành, huyện đã có nhiều đổi mới trong quản lý, phục vụ khách du Xuân, tham quan các di tích, tăng lực lượng phục vụ để đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, tăng cường chăm sóc cảnh quan, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng đã sắp xếp lại các hàng quán, di chuyển các dịch vụ như bốc thuốc, bắt mạch kê đơn, cho chữ đầu năm ra khỏi khu vực trung tâm của di tích. Bổ sung trang trí hoa, tiểu cảnh, điểm checkin cho nhân dân và du khách chụp ảnh kỷ niệm. Ban Quản lý đã kết hợp giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Giàng đến với nhân dân và du khách. Riêng Văn miếu Mao Điền Tết năm nay có điểm độc đáo là tổ chức Lễ dâng hoa thủy tiên và trưng bày hoa thủy tiên. Đây là sự kiện góp phần tô điểm cho bức tranh các hoạt động văn hóa, lễ hội đầu năm ở huyện Cẩm Giàng, trong đó, ước mỗi ngày 2.000 đến 3.000 lượt du khách tới Văn miếu Mao Điền du Xuân.
Theo đại diện các Ban Quản lý di tích, điểm đáng mừng là người dân đi lễ ngày càng văn minh, những hiện tượng như xả rác, đốt nhiều vàng mã, thắp hương nghi ngút đã giảm đáng kể. Đây cũng là tín hiệu vui cho những người làm văn hóa, thể thao và du lịch.