Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, là ngành có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới sáng tạo, nhưng để có thể phát triển nhanh hơn và mang tính bứt phá bền vững hơn, ngành Du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả hơn. Trong đó, chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số, dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn. Hay nói cách khác, chuyển đổi số trong ngành Du lịch là đưa toàn bộ ngành lên môi trường số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch; ứng dụng công nghệ số nâng cao trải nghiệm du khách... Muốn chuyển đổi số hiệu quả, ngành Du lịch cần có chiến lược bài bản, trọng điểm, nhằm tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Du lịch phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý đồng bộ cho thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong du lịch; thiết lập các chuẩn mực pháp lý, quy tắc ứng xử trên môi trường số hình thành xã hội số... Bên cạnh đó, ngành phát triển hạ tầng số và các ứng dụng số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC); phát triển nguồn nhân lực số, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các xu thế mới. Đặc biệt, ngành Du lịch nên lấy đầu tư công, thu hút dẫn dắt đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua đẩy mạnh hoạt động đầu tư công tập trung vào hạ tầng khung, hạ tầng thiết yếu; quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch, kết nối du lịch quốc tế...
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số tạo thuận lợi và thúc đẩy những giải pháp phát triển mới đang tác động ngày càng sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống. Một số chuyên gia tham gia diễn đàn cho rằng, chuyển đổi xanh và xu hướng số hóa nền kinh tế đã trở thành động lực chủ chốt để cấu trúc lại mô hình tăng trưởng kinh tế, thay đổi mô hình cạnh tranh toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng năng suất và hiệu quả. Đối với Việt Nam, nếu khai thác hiệu quả lợi thế của 123 triệu thuê bao di động, 77,93 triệu người dùng Internet, 70 triệu người dùng mạng xã hội sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội số. Từ đó, ngành Du lịch có nền tảng đầu tư, liên kết phát triển chuỗi du lịch trong và ngoài nước.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch là một trong những ngành tiên phong tham gia và thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động kinh doanh ở quy mô toàn cầu, nhất là hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, dịch vụ giữ chỗ, bán trực tuyến phòng khách sạn và đặt dịch vụ trực tuyến. Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu cũng nhấn mạnh ngành Du lịch thế giới đang đứng trước yêu cầu phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo để tạo ra những cơ hội mới, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững đặc biệt là sau tác động nặng nề của đại dịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác, song cũng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể.
Triển khai các giải pháp cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển du lịch số; ra mắt Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch; hướng dẫn kết nối tích hợp vào các nền tảng số của ngành... Bộ cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số du lịch tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đến nay, ngành đã đạt được kết quả bước đầu như hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch...
Ở góc độ địa phương, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong ngành Du lịch, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm phát huy sức mạnh của công nghệ phục vụ liên kết du lịch và giữa các bên trong hệ sinh thái du lịch thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng “Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2030", qua đó xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền thời quan tới. Thực hiện Đề án này, UBND Thành phố đã chỉ đạo ngành Du lịch triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, quảng bá du lịch như vận hành ứng dụng phần mềm du lịch thông minh; ứng dụng Công nghệ 3D; cổng thông tin điện tử; chuyển đổi số tại các khách sạn... Ngành Du lịch đã cập nhật tài nguyên du lịch lên các nền tảng của Google, sàn giao dịch thương mại điện tử...