Định hướng phát triển du lịch Việt Nam 10 năm tới:

Chọn du lịch biển làm mũi nhọn

(Tin Tức) - Với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch biển, đảo. Theo đánh giá của ngành du lịch Việt Nam, trong thời gian qua, hơn 70% lượng khách du lịch chọn các tour du lịch biển. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch biển vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Do đó, trong dự thảo chiến lược phát triển 10 năm tới, ngành du lịch Việt Nam xác định tập trung phát triển du lịch biển thành sản phẩm du lịch đặc trưng để hấp dẫn du khách, đem lại doanh thu lớn, tạo thêm việc làm cho xã hội...

Chuyển từ “lượng” sang “chất”

Du lịch Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn phát triển 5 năm 2006-2010 vào cuối năm nay và chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: Hướng phát triển trong 10 năm tới, du lịch Việt Nam sẽ chuyển từ “lượng” sang “chất”, phát triển theo chiều sâu. Đặc biệt, các loại hình du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng sẽ được ưu tiên phát triển.

Phát triển theo hướng bền vững, có chất lượng

Bà Nguyễn Thanh Hương, Vụ phó Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết, sau gần 20 năm du lịch hội nhập, ngành đã "tích lũy" được những tiềm lực nhất định; xây dựng được hệ thống hạ tầng cơ sở du lịch, cũng như đào tạo được một đội ngũ nhân lực… Đó chính là lý do vì sao những năm tới, Tổng cục Du lịch sẽ chuyển hướng tập trung mạnh hơn vào chất lượng của sự phát triển. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách vẫn giữ như ở giai đoạn trước nhưng sẽ gia tăng về thu nhập từ du lịch bằng cách tập trung xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Ngành sẽ phấn đấu năm 2015 đạt doanh thu 8,9 tỷ USD, đóng góp GDP của ngành du lịch là 5,2%; năm 2020 đạt 15,9 tỷ USD, đóng góp 6% vào tổng GDP.

Du lịch biển Việt Nam đang có cơ hội bứt phá. Ảnh Trường Dương-TTXVN


Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: "Trong giai đoạn phát triển mới của ngành du lịch, cần phải nhìn nhận việc tăng doanh thu du lịch là mấu chốt vấn đề. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, cần sự liên kết của các ngành, các địa phương khác để phát triển. Mục tiêu chính của du lịch vẫn là doanh thu. Vì thế, phát triển dịch vụ cao cấp để đón 10 khách du lịch quốc tế chi trả cao, sử dụng các dịch vụ cao cấp... còn hơn đón 100 khách quốc tế nhưng chỉ chi mỗi khoản tiền mua tour, vốn đã rẻ đến mức không thể rẻ hơn. Muốn vậy, chúng ta phải phát triển các dịch vụ bổ trợ".

Ngành du lịch xác định khai thác cả thị trường khách quốc tế và nội địa, ưu tiên thị trường khách có khả năng chi trả cao để thu hút ngoại tệ, duy trì các thị trường truyền thống. Trong giai đoạn mới, du lịch Việt Nam cũng tránh sự phát triển ồ ạt, hiệu quả kinh tế thấp, làm suy kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên và các nguồn lực...; sẽ chuyển từ khai thác thị trường khách du lịch đại trà sang thu hút theo trọng tâm. Ngành sẽ tập trung thu hút các thị trường khách quốc tế gần từ các nước ASEAN và Đông Bắc Á; các thị trường khách truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ, Việt kiều, Ôxtrâylia, Bắc Âu và thị trường khách mới nổi đến từ Nga, Séc và các nước SNG cũ được duy trì khai thác. Nghiên cứu thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ La tinh, Nam Phi và Trung Đông - là dòng khách sử dụng các sản phẩm du lịch cao cấp.

Chủ đạo là du lịch biển

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: "Việt Nam nằm trong số những nước có nhiều bãi biển, vịnh biển, đảo đẹp nhất thế giới. Thực tế phát triển trong vài năm gần đây đã chứng minh, các sản phẩm du lịch biển, đảo thu hút phần lớn lượng khách du lịch đến Việt Nam và mang lại doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn tài nguyên này cho phát triển du lịch vẫn còn mang tính tự phát và lãng phí tài nguyên. Vì thế, cần phải có chiến lược và quy hoạch lâu dài về chủ đề này để phát triển du lịch giai đoạn tới".

Hệ thống sản phẩm du lịch biển sẽ được xây dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch cạnh tranh với khu vực và thế giới. Cùng với hai loại hình cũng được ưu tiên phát triển là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch biển được coi là loại hình du lịch chủ đạo. Du lịch biển sẽ được phát triển với các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới về du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển; hình thành các dòng sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển; xây dựng mô hình làng du lịch nghỉ dưỡng biển theo tiêu chí đẳng cấp, sang trọng, nhằm thu hút khách cao cấp, phát triển song song với các khu du lịch biển, ven biển khác.

Để tập trung khai thác du lịch theo định hướng 10 năm tới, ngay từ bây giờ, ngành du lịch Việt Nam đã có những động thái chuẩn bị chương trình xúc tiến có trọng tâm. Bước đi đầu tiên là tạo "Tiêu đề - Biểu tượng" (Logo - Slogan) mới; chuyên nghiệp hóa khâu xúc tiến quảng bá, chuyển từ xúc tiến quảng bá đại trà sang xúc tiến theo sản phẩm, thị trường; xúc tiến cho các sản phẩm, thương hiệu cụ thể, đẩy mạnh truyền thông điện tử, nâng cao tự hào dân tộc về thương hiệu du lịch Việt Nam.

Xuân Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN