Chấn chỉnh hoạt động du lịch ở vịnh Vĩnh Hy và Bãi Kinh

Để chấn chỉnh, kiện toàn lại hoạt động du lịch tại vịnh Vĩnh Hy và khu vực Bãi Kinh (huyện Ninh Hải), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm những tồn tại trong xây dựng, du lịch, nhà hàng nổi trên danh thắng vịnh Vĩnh Hy và Bãi Kinh. Qua đó, lập lại trật tự về hoạt động du lịch tại đây theo đúng quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiểm tra hoạt động du lịch tại khu vực Bãi Kinh giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa. 

Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) là danh thắng cấp Quốc gia thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã có một số bất cập, gây ảnh hưởng đến định hướng phát triển mà tỉnh đang xây dựng. Ông Trần Minh Thái, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải thông tin, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế và vận động di dời 74 lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên vịnh Vĩnh Hy; đồng thời, lập thủ tục bàn giao mặt nước tại vịnh cho Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý và sử dụng theo quy định. Về hoạt động kinh doanh du lịch tại vịnh, qua kiểm tra cho thấy, có 24 tàu đáy kính đủ điều kiện hoạt động; 33 chiếc ca nô, trong đó có 19 chiếc không đủ điều kiện hoạt động; 31 chiếc mô tô nước không đủ điều kiện hoạt động. Ngoài ra, còn có 7 nhà hàng nổi làm bằng composite, trong đó 2 nhà hàng đã hết hạn kiểm định và đang ngừng hoạt động; 5 nhà hàng nổi bằng bè gỗ nuôi thủy sản cải hoán, cơi nới cặp vào các bè composite hoạt động du lịch không đúng quy định. UBND huyện Ninh Hải đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ tháng 4/2023 nhưng đến nay các chủ bè trên vẫn chưa chấp hành quyết định.

Tại khu vực Bãi Kinh (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) vùng giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa hiện có 18 nhà hàng nổi của các doanh nghiệp do Khánh Hòa quản lý. Tất cả các nhà bè trên đều không đủ điều kiện hoạt động và đều hoạt động thuộc địa phận đảo Bình Hưng (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa). Qua kiểm tra cho thấy có 63 phương tiện thủy nội địa, trong đó tàu du lịch đáy kính có 8 chiếc (5 tàu có đầy đủ giấy tờ, 3 tàu đang làm thủ tục đăng kiểm); 3 chiếc mô tô nước không có giấy tờ; 23 phương tiện tàu gỗ cải hoán không có giấy tờ chủ yếu phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và dân sinh của người dân tỉnh Khánh Hòa.

Chú thích ảnh
Các nhà hàng, bè nổi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận). 

Trong khu vực đảo Bình Hưng có 103 hộ nuôi với 1.090 lồng hải sản trên biển. Đáng lưu ý, các nhà hàng nổi ở đảo Bình Hưng (xã Cam Bình đã thuê người sang khu vực Bãi Kinh để giới thiệu, mời khách đến đây ăn uống. Do lượng khách du lịch đông, nhất là vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần dẫn đến tình trạng tranh giành, chèo kéo khách. Đáng lo ngại hơn là tình trạng các tàu thuyền không đủ điều kiện hoạt động chở du khách qua đảo Bình Hưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Ngoài ra, một doanh nghiệp đã san ủi một phần đất do Nhà nước giao tại Bãi Kinh làm mặt bằng bãi giữ xe và cho một hộ dân ở Khánh Hòa thuê lại để giữ xe cho khách khi ra đảo Bình Hưng. Hộ dân này tự in phiếu thu phí giữ xe không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các hoạt động du lịch ở vịnh Vĩnh Hy. Các số liệu phải thật cụ thể, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc để kịp thời chấn chỉnh, sắp xếp tổ chức lại để mọi hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh đi vào nề nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, địa phương lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấu hiểu, đồng thuận với việc sắp xếp hoạt động kinh doanh dịch vụ. Chậm nhất đến ngày 30/9/2023, các ngành, đơn vị liên quan phải có báo cáo đầy đủ về tình hình du lịch tại vịnh Vĩnh Hy, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch để triển khai xử lý.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp kinh doanh các loại dịch vụ du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường để bảo vệ toàn diện vịnh Vĩnh Hy bền vững lâu dài trong tương lai. “Nếu không xử lý bây giờ thì 5 năm, 10 năm sau rất khó xử lý nên phát hiện sai đến đâu phải xử lý triệt để đến đó. UBND tỉnh đặt ra mục tiêu là không có bất kỳ vùng cấm, không có trường hợp cá biệt nào vi phạm mà vẫn tồn tại. Tôi đã trực tiếp nhắc nhở và chỉ đạo các ngành nhiều lần, lần này sẽ là lần cuối cùng phải xử lý dứt điểm, không thể để tái diễn gây ảnh hưởng chung đến du lịch của tỉnh”, ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Đối với hoạt động du lịch tại khu vực Bãi Kinh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá, hoạt động du lịch ở đây rất sôi nổi và trong thời gian qua cả hai địa phương Khánh Hòa và Ninh Thuận đã tạo điều kiện để cho hoạt động này phát triển. Tuy nhiên, một số hoạt động du lịch, cho thuê mặt bằng, việc đi lại của nhân dân trong mùa cao điểm về du lịch chưa đảm bảo an ninh trật tự. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, huyện Ninh Hải rà soát lại toàn diện các hoạt động đối với phần việc của Ninh Thuận để xử lý dứt điểm. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tổ chức các buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh Khánh Hòa, tuyên truyền vận động nhân dân, đưa ra các cái giải pháp để quản lý, sử dụng, vận hành cầu cảng cũng như lập lại trật tự đi lại của người dân. Đây là cách an toàn, đảm bảo cho sự phát triển chung của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Phú Yên: Xác định tồn tại, đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm hoạt động du lịch 'tự phát'
Phú Yên: Xác định tồn tại, đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm hoạt động du lịch 'tự phát'

Ngày 2/6, Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Phiên giải trình việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, sau khi tại địa phương có nhiều địa điểm kinh doanh du lịch “tự phát”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN