Đây là phiên giải trình đầu tiên của Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên nhằm đánh giá đúng tình hình; xác định rõ các tồn tại và đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng này.
Giải trình trước HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho biết: Địa bàn tỉnh có 18 cơ sở kinh doanh du lịch chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Hiện nay, 2/18 cơ sở đã chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, nộp trả Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cơ quan chức năng; 8/18 cơ sở chỉ hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát; 8/18 cơ sở có hoạt động kinh doanh du lịch (bán vé tham quan, tổ chức cho khách lưu trú hoặc cắm trại qua đêm).
Tất cả các cơ sở đều đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trái phép (nhà ở, nhà xe, nhà kho, nhà vệ sinh, đường nội bộ...) trên diện tích đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất... để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Việc này là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng. Các điểm kinh doanh này đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường du lịch, nhất là tại các khu vực gần danh lam thắng cảnh, di tích; ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư du lịch của tỉnh Phú Yên về lâu dài.
Tại phiên giải trình, Thường trực và các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên đã đặt ra nhiều vấn đề, với nhiều góc nhìn khác nhau trước thực trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch và nguyên nhân cũng được chỉ rõ.
Theo bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, công tác quy hoạch phát triển du lịch của địa phương còn hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch; chưa có những giải pháp căn cơ để khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch cho người dân, cộng đồng dân cư hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, công tác phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ; có lúc, có nơi còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII đã xác định “Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh”. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Vì vậy, hoạt động du lịch "tự phát" đã kéo theo hệ lụy là không đảm bảo về tình hình an ninh trật tự, nhất là công tác phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng,…
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu, trước mắt, các đơn vị, địa phương liên quan phải xây dựng, ban hành thể chế, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong ngành Du lịch. Ngành Du lịch triển khai các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng; quản lý, phát triển các sản phẩm du lịch về ẩm thực, văn hóa, lịch sử.
Về lâu dài, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về phát triển du lịch; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ du lịch. Để thu hút du khách cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh Phú Yên. Cùng với đó, ngành Du lịch phải tăng cường xúc tiến, quảng bá và mở rộng hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch...