Chấn chỉnh ‘bán tour’ tại phố cổ Hà Nội

Sự việc nhóm khách Australia mua tour kém chất lượng tại một văn phòng trong phố cổ Hà Nội được phản ánh trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng thông tin nhập nhèm, bớt xén dịch vụ… đã diễn ra nhiều năm nay. Sở Du lịch đang triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Hiện nay, 80% lượng khách quốc tế đến Hà Nội theo hình thức tự do, sau đó mới đặt dịch vụ đi các điểm du lịch tại Việt Nam. Do đó, phố cổ Hà Nội là điểm trung chuyển với rất nhiều văn phòng du lịch bán land tour gom khách lẻ. Giá cả có rất nhiều loại phân theo chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít tình trạng bán tour theo hình thức "treo đầu dê, bán thịt chó" mà điển hình là vụ nhóm khách Australia bị lừa gạt sử dụng dịch vụ kém chất lượng mới đây. Theo đó, đại lý gom khách giới thiệu hình ảnh, chương trình là tour cao cấp nhưng thực tế giao khách cho đơn vị không đủ năng lực và không có chức năng tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế.

 

Nhóm khách Australia khi tham gia chuyến du lịch trên vịnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty du lịch Neworld Travel cho biết, khi thông tin nhóm khách chỉ mua tour có 1,6 triệu đồng/người thì những người làm du lịch đều biết đây là tour "có vấn đề" bởi để chạy một chương trình cho khách ngủ đêm tại Vịnh Hạ Long thì chi phí thấp nhất phải là 2 triệu đồng/người, bởi riêng giá giá vé tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long đã gần 600.000 đồng/người. Đó là chưa kể một loạt các chi phí về đi lại, ăn uống và các dịch vụ đi kèm khác. 

Theo thống kê sơ bộ, trong khu vực phố cổ Hà Nội có khoảng 130 văn phòng, đại lý giới thiệu chương trình tour gom khách lẻ tổ chức đoàn đi tour Hạ Long (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai), Tràng An ( Ninh Bình) và một số tuyến điểm theo nhu cầu. Tuy nhiên, điểm nhức nhối chính là tình trạng gom khách đưa đi thăm quan loại hình du lịch nghỉ đêm trên tàu tại vịnh Hạ Long. Do đi tàu ngủ đêm trên vịnh có nhiều loại tàu, mức giá và dịch vụ cũng khác nhau nên để cạnh tranh, một số đơn vị tổ chức cắt giảm giảm dịch vụ, đưa sang tàu kém chất lượng và “nhập nhèm” chương trình đi vào vùng lân cận giữa Cát Bà (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Dù có rất nhiều văn phòng du lịch với rất nhiều tên gọi khác nhau, nhiều nhất là Sing cafe, open tour, Booking tour... nhưng thực tế trong khu vực chỉ có khoảng 5-6 đơn vị thực sự là những nhà tổ chức tour du lịch như APT travel, Khánh Sinh, Open tour, HG travel... Tùy theo chất lượng dịch vụ của các tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long sẽ có mức giá tiền khác nhau. "Thông thường, với khách quốc tế, họ thường tìm hiểu rất kỹ thông tin du lịch, đặc biệt là trên trang web tripadvisor.com và tín nhiệm theo sự bình chọn trước đó. Giá cả trên trang này cũng được khách đưa công khai. Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp khách thiếu thông tin sẽ bị giới thiệu tour giá rẻ, thậm chí nhập nhèm tour đi Cát Bà", ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ.

Thậm chí để hạ giá, một số đơn vị còn không có cả giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, trong đó vụ việc nhóm khách Australia là điển hình. Theo Vụ Lữ hành, tình trạng một số cá nhân tổ chức tour không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế khá phổ biến và diễn ra nhiều năm nay. Chỉ đến khi xảy vụ việc như gặp tai nạn hay bị phản ánh lên báo chí, mạng xã hội thì mới được chính quyền địa phương xử lý. Cách đây 7 năm, khi xảy ra trường hợp 11 khách Anh tử nạn do tàu chìm trên vịnh Hạ Long, lúc đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra thì đơn vị nhận tổ chức tour này là AZ Queen travel cũng không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức tour. Đơn vị này sau đó bị cấm hoạt động và kinh doanh kiểu gom khách, "bán" khách được chấn chỉnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng doanh nghiệp lữ hành, cá nhận nhận không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức tour cho khách quốc tế bùng phát trở lại, trong đó, có không ít hướng dẫn viên sau một thời gian làm việc có kinh nghiệm đã tự đứng ra tổ chức tour.

Anh Lại Văn Quân, điều hành tại công ty du lịch Tam sắc chia sẻ: Thực tế ngay tại khu vực phố cổ Hà Nội, nhiều khách sạn, văn phòng đặt biển tư vấn du lịch nhưng về bản chất là gom khách lẻ để ăn hoa hồng. Do đó, các nhân viên khách sạn thường "chỉ dẫn" đến các đơn vị tổ chức cắt hoa hồng cao mà ít quan tâm đến chất lượng dịch vụ và yêu cầu của khách.

Sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ

Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Thái Bình Dương cho biết: Từ thực tế vụ việc đại lý Spring Travel có ký hợp đồng lại đại diện cho công ty nhưng lại chuyển khách cho đơn vị khách nên công ty sẽ siết lại hợp đồng lại dịch vụ đại lý nhận khách. Không lại trừ khả năng, các đại lý nhận khách sẽ giới thiệu cho các đơn vị tổ chức khác bởi thực tế văn phòng có thể ký hợp đồng đại diện cho vài công ty khác nhau. 

Một góc phố Mã Mây có tới 3 văn phòng du lịch liền kề nhau

"Do đó, bên cạnh công tác thanh kiểm tra chấn chỉnh vi phạm, Sở Du lịch Hà Nội nên công khai tên các doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, mức giá trên trang điện tử để du khách kiểm tra đánh giá, không chọn nhầm đơn vị tổ chức kém chất lượng", ông Nguyễn Hồng Đài cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Công Huy, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Kiểm tra 5 đơn vị doanh nghiệp lữ hành tại 15 điểm văn phòng đại diện trong khu phố cổ thì cả 5 doanh nghiệp đều sai phạm và đã xử phạt 21 triệu đồng.

"Với quan điểm phòng hơn chống, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp với VNPT Hà Nội xây dựng cổng thông tin điện tử với địa chỉ myhanoi.vn để du khách chủ động lựa chọn đơn vị kinh doanh có uy tín và không quá ham rẻ dễ mua phải tour kém chất lượng. Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ mở đợt thanh kiểm tra hoạt động lữ hành tại khu phố cổ Hà Nội để chấn chính hoạt động kinh doanh lữ hành tại đây", ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.

Từ vụ việc của nhóm khách Australia, bên cạnh xử lý đơn vị tổ chức tour, đơn vị dịch vụ cũng đang được Quảng Ninh và Hải Phòng kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Vụ việc xảy ra ở vùng giáp ranh giữa Hạ Long (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) - nơi mà cả 2 địa phương đều chưa chặt chẽ trong quản lý. Do đó, doanh nghiệp mà cụ thể là tàu Hoàng Phương 16 HP4686 lợi dụng kẽ hở này để hoạt động. Do đó, hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh cùng ngồi lại thống nhất tiêu chí tàu hoạt động trên vịnh, nhất tàu Hoàng Phương 6 đã bị cấm hoạt động tại Quảng Ninh nhưng lại chạy sang Hải Phòng đăng ký để hoạt động.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng nêu rõ: Với những tour giá quá rẻ thường dẫn đến lừa đảo khách hoặc thực hiện không đúng cam kết theo kiểu “tiền nào của nấy”. Do đó, ngành du lịch sẽ có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo du khách không nên tin tưởng, mua các tour giá rẻ, không đảm bảo chất lượng, quyền lợi của khách. Khi phát hiện tượng vi phạm, không đúng cam kết các đơn vị chức năng cần kịp thời vào cuộc can thiệp, xử lí nghiêm vi phạm của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quyền lợi cho du khách. Như vụ tàu Hoàng Phương, bắt buộc phải xin lỗi và bồi thường cho du khách…

Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng: Về lâu dài, Hải Phòng và Quảng Ninh nên có cơ chế phối hợp để quản lý chặt chẽ chất lượng dịch vụ các đội tàu khai thác khách ở Cát Bà- Vịnh Hạ Long, mang lại lợi ích cho cả 2 địa phương và nhiều trải nghiệm cho du khách.

XC/Báo Tin tức
Tổng cục Du lịch xin lỗi khách Australia và mời du lịch miễn phí vịnh Hạ Long
Tổng cục Du lịch xin lỗi khách Australia và mời du lịch miễn phí vịnh Hạ Long

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, vừa viết thư xin lỗi bà Lynne Ryan - du khách quốc tịch Australia, nạn nhân trong vụ cung cấp dịch vụ kém chất lượng của tàu Hoàng Phương 16 (Hải Phòng), đồng thời mời bà trở lại Việt Nam du lịch miễn phí vịnh Hạ Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN