Theo đó, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, hoạt động du lịch nội địa được hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết, để đảm bảo việc phòng chống dịch, tỉnh yêu cầu, Ban quản lý các di tích phải trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ trang thiết bị để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc; đồng thời yêu cầu không tập trung đông quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc.
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Ban quản lý di tích đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch, chỉnh trang cảnh quan sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tham quan và thực hành tín ngưỡng của nhân dân, du khách thập phương.
Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, trong thời gian qua, Ban quản lý di tích đã tập trung phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh khu di tích, thực hiện các nghi lễ cúng cầu quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ. Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích đã huy động nguồn xã hội hóa và đóng góp của cán bộ, nhân viên Ban quản lý ước tính khoảng gần 500 triệu đồng để tiến hành chỉnh trang cảnh quan khuôn viên toàn bộ khu di tích.
Tại di tích Kiếp Bạc, Ban quản lý tiếp tục cải tạo hồ sen đền Kiếp Bạc, làm đường dạo ven hồ, thủy đình để trình diễn múa rối nước, hứa hẹn đây sẽ là điểm nhấn thu hút du khách trong thời gian tới.
Tại di tích Côn Sơn, cùng với việc hoàn thiện công trình lầu Phật Bà, Ban quản lý tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa và cây cảnh, đặc biệt là trồng mới 50 gốc mai Yên Tử và 100 gốc mận ở đền Nguyễn Trãi. Trước đó, Ban quản lý di tích đã chỉnh trang khuôn viên Thanh Hư Động, cải tạo lối lên đỉnh Bàn Cờ Tiên.
Ông Lê Duy Mạnh cho biết thêm: “Để đảm bảo an toàn cho du khách đến với di tích, chúng tôi cũng sẽ tích cực tuyên truyền khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và rửa tay, đảm bảo khoảng cách để phòng chống dịch bệnh”.
Tương tự, trong thời gian đóng cửa không đón khách tham quan, các Ban quản lý di tích trong tỉnh Hải Dương cũng tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun khử khuẩn khuôn viên di tích.
Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng – địa phương có hai di tích quốc gia đặc biệt là Văn Miếu Mao Điền và cụm di tích Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia, cho biết: Sau khi các di tích mở cửa trở lại, Ban quản lý di tích tiếp tục yêu cầu các điểm phải bố trí bàn để dung dịch sát khuẩn, có nhân viên hướng dẫn du khách, đặc biệt là những đoàn có lượng người lớn sẽ chia thành nhiều đợt dâng hương, đảm bảo giữ khoảng cách đúng như quy định của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 di tích, gồm: đình, đền, chùa, miếu, nghè, quán, đàn, lăng mộ, cầu đá... đã được lập danh mục đề nghị bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Trong đó, có 4 di tích, khu di tích xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 220 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh Hải Dương đón trên 4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 1.980 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2018.