Tín hiệu vui
Thống kê của ngành Du lịch Cà Mau qua các năm cho thấy, lượng khách du lịch đến Cà Mau năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, tỉnh đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 61,29% so với năm 2010 (trung bình mỗi năm tăng 7,67%). Doanh thu du lịch năm 2017 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, đặc biệt giai đoạn 2015-2017 doanh thu tăng vọt. Riêng 9 tháng năm 2018, Cà Mau đã đạt con số trên 1 triệu lượt khách, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2017 và đạt gần 70% so kế hoạch năm, doanh thu đạt 1.682 tỷ đồng. Kết quả trên đã minh chứng cho sự khởi sắc của ngành du lịch Cà Mau.
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù, khả năng thu hút khách nội địa của Cà Mau tăng cao nhưng thị trường khách du lịch quốc tế còn hạn chế, lượng khách tăng chưa nhiều qua các năm. Cụ thể, năm 2017, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đón 2,8 triệu lượt khách quốc tế nhưng Cà Mau chỉ đón được 25.000 lượt khách, chiếm chưa đến 1% lượng khách của khu vực.
Ngành Du lịch Cà Mau nhận định, trong vài năm gần đây, thị trường khách quốc tế bắt đầu quan tâm đến Cà Mau thông qua hai đường tiếp cận là khách đến Phú Quốc (Kiên Giang) qua Cà Mau và khách quốc tế đến Cần Thơ rồi tới Cà Mau bằng các tour tham quan du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Do vậy, tỉnh Cà Mau định hướng tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hướng đi đúng đắn này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo tiền đề để các ngành nghề khác phát triển.
Chú trọng thị trường khách du lịch nội địa
Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, để phát triển du lịch Cà Mau bền vững cần gắn kết chặt chẽ các yếu tố phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội... Ngành Du lịch Cà Mau quan tâm phát triển thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Đặc biệt, Cà Mau chú trọng đến thị trường khách du lịch nội địa, do đây là nguồn khách thường xuyên và quan tâm nhiều đến vị trí Mũi Cà Mau; nâng cao hơn nữa vị thế của du lịch Cà Mau, xây dựng Cà Mau là điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng các sản phẩm du lịch trọng tâm mang tính cạnh tranh là du lịch địa lý, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập nước.
Đề xuất các giải pháp về phát triển du lịch bền vững, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho rằng, trong thực hiện công tác quy hoạch du lịch sinh thái, cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét đến tính liên hoàn, thành cụm, điểm du lịch như: Rừng, biển đảo, tham quan di tích lịch sử kết hợp với thưởng ngoạn thiên nhiên để vừa giảm chi phí cho khách tham quan vừa tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường và hạn chế tác động xấu đến hệ sinh thái trong quá trình phát triển du lịch.
Ngành Du lịch Cà Mau tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chuỗi kiểm soát môi trường liên tục tại khu, điểm du lịch và tổ chức tốt các điều kiện thu gom, tập kết, xử lý rác thải để đảm bảo về môi trường, sinh thái. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế ven bờ cần được quy hoạch hợp lý, thực hiện giải pháp chống xói mòn, sạt lở ven biển ven sông...
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương tiếp tục quan tâm bằng một số cơ chế, chính sách cụ thể và thông thoáng nhằm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch. Trong đó, có chính sách ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cho thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, thân thiện môi trường. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khu vui chơi giải trí quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch ở Cà Mau.
Tỉnh chú trọng xây dựng một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với những địa bàn khó khăn về điều kiện hạ tầng nhưng có tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch, phát triển du lịch: Cộng đồng, biển đảo, nông nghiệp và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, thực hiện quy hoạch bố trí dân cư, phát triển ngành nghề phù hợp trên các tuyến du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống...
Tỉnh Cà Mau định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gồm cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận nơi có tài nguyên du lịch, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch và kết nối hạ tầng đồng bộ tới các điểm tiềm năng du lịch quan trọng của tỉnh như: Mũi Cà Mau, Khai Long, Sông Trẹm, Hòn Đá Bạc…
Ông Trần Hồng Quân cho rằng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là loại hình du lịch chủ đạo, tạo đột phá cho du lịch của tỉnh Cà Mau. Do vậy, trên cơ sở Quyết định số 744 ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 và theo chương trình phát triển tổng thể du lịch Cà Mau giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ; phát triển du lịch cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Bãi bồi Khai Long.
Tỉnh định hướng đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết cho ngành Du lịch vận hành, phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực, cả nước theo hướng tập trung bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa, sinh thái đặc thù của tỉnh.
Các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân thường xuyên làm tốt hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sâu rộng các danh lam, thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước; có thái độ ứng xử hài hòa đậm chất văn hóa để tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến Cà Mau. Ngành Du lịch Cà Mau chủ động nghiên cứu phát triển các mô hình liên kết du lịch, tổ chức tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm tính trải nghiệm, đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.