Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Cà Mau đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, liên kết với một số tỉnh trong khu vực mở nhiều tour du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Cà Mau.
Thuận lợi xúc tiến đầu tư phát triển du lịch
Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, có ba mặt giáp biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông - Đông Nam giáp biển Đông và phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.
Mũi Cà Mau - đây là nơi duy nhất trên đất liền của tỉnh có thể ngắm được mặt trời mọc và mặt trời lặn. Cũng tại Mũi Cà Mau, phù sa lắng đọng thành những bãi bồi rộng lớn, mỗi năm đất lấn thêm ra biển vài chục mét và được người dân bản địa ví von là vùng ''đất nở ra, rừng biết đi và biển biết sinh sôi''. Ngoài ra, Cà Mau có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái, với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (diện tích khoảng 42.000 ha) và Vườn quốc gia U Minh Hạ (diện tích trên 8.200 ha) đang được quy hoạch, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái xứng tầm trong tương lai không xa.
Các điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau đó là: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, Đầm Thị Tường, các vườn chim tự nhiên, điểm du lịch cộng đồng tại Khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực các huyện U Minh, Trần Văn Thời...
Tài nguyên du lịch của tỉnh cũng rất đặc trưng gắn liền với nét văn hóa bản địa đặc sắc. Những chiến công vang dội trong kháng chiến đã hình thành nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa quan trọng gắn với các lễ hội dân gian, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực và giai điệu ngọt ngào của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng câu chuyện hài hước, dí dỏm của ''Vua nói dóc Nam Bộ'' - Bác Ba Phi...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng nên có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á cũng như hợp tác, hội nhập. Đây là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch Cà Mau.
Khu vực trọng điểm này sở hữu 4 sân bay gồm: Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá; trong đó, có 2 sân bay quốc tế. Nếu liên kết được tour du lịch của du khách quốc tế đến Phú Quốc, Cần Thơ kết nối tới Cà Mau sẽ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hàng năm. Ngoài ra, Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai khi được Chính phủ phê duyệt và đầu tư cũng sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với du lịch tỉnh Cà Mau.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính như: Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Cùng với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi và tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam đã góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã trở nên có sức hấp dẫn đối với đông đảo du khách. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh mời gọi, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch xứng tầm với tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương.
Nhiều thách thức đan xen
Đan xen với những yếu tố, tiềm năng, cơ hội tốt, ngành Du lịch Cà Mau cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Những năm gần đây, mặc dù du lịch Cà Mau có bước phát triển khá mạnh nhưng theo diễn giả Nguyễn Thanh Tuyền, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau: So với các địa phương khác trong khu vực, du lịch Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Công tác quảng bá, giới thiệu du lịch chưa có chiến lược cụ thể, chậm đổi mới, chưa tập trung vào thị trường mục tiêu và hoạt động du lịch còn mang nặng tính tự phát mà thiếu đi tính liên kết…
Ngành Du lịch Cà Mau chưa phát huy tối đa giá trị các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc diễn ra hàng năm trở thành sự kiện thu hút du khách đến với Cà Mau.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết thêm, Cà Mau có thế mạnh về rừng, biển và vị trí để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thế mạnh này đến nay vẫn còn là tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác nhiều, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Thực tế, lượng khách hàng năm đến Cà Mau tuy có tăng nhưng chưa cao, thời gian lưu trú thấp, nhất là số cơ sở lưu trú du lịch đạt hạng sao còn ít, chất lượng chưa đáp ứng so với yêu cầu. Đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm chưa được chú trọng bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh còn hạn chế, tiến độ triển khai các dự án còn chậm, chưa hút hút được nhà đầu tư chiến lược để đầu tư phát triển những khu du lịch mang tính động lực, có sức lan tỏa toàn vùng.
Bài 2: Phát triển theo hướng bền vững