Bình Thuận nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Tỉnh Bình Thuận chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tạo môi trường làm việc, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách du lịch. 

Tận dụng những lợi thế về nắng, gió, đồi cát, bãi biển đẹp, nền văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống, những năm qua, Bình Thuận đã phát triển thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch gắn với các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng của tỉnh. Với mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, bên cạnh các giải pháp đồng bộ về phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, tỉnh Bình Thuận chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tạo môi trường làm việc, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách du lịch. 

Chú thích ảnh
Biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận luôn thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng và chơi các môn thể thao trên biển (ảnh tư liệu).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo thống kê, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 28.500 lao động phục vụ trong các cơ sở, doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, số lao động này đã giảm mạnh. Lao động trong toàn ngành Du lịch ở Bình Thuận hiện có khoảng 22.300 người.

Xác định con người là một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng được tâm lý, tình cảm của du khách đối với điểm đến, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch. Điều này được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp và theo hướng tập trung đào tạo nghề du lịch, gắn với địa chỉ sử dụng, nhờ vậy chất lượng đào tạo được nâng lên, gần với nhu cầu thực tiễn hơn.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn từ 2015-2020, Sở đã tổ chức 42 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch với số lượng 3.200 học viên bao gồm các lớp kiến thức du lịch cộng đồng; bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, quản lý khách sạn, nhà nghỉ, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn; tập huấn thực hiện các quy định về kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch, cứu hộ, cứu nạn… Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức 58 lớp bồi dưỡng với 2.600 học viên gồm các lớp: Pha chế thức uống, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, tiếng Anh chuyên ngành lễ tân…

Trước khi đi vào hoạt động, các dự án du lịch, nhất là các dự án có quy mô lớn đều quan tâm tuyển dụng, đào tạo trước cho đội ngũ lao động. Các cơ sở lưu trú du lịch hạng 3-5 sao trong quá trình hoạt động đã thúc đẩy hình thành đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, năng động, nhân viên nghiệp vụ lành nghề ở tỉnh. Mặt khác, các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút về tỉnh một số quản lý người nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm quản lý kinh doanh du lịch ở tầm quốc tế, lao động chuyên môn tay nghề cao, làm việc chuyên nghiệp.

Nhờ vậy, đến nay tổng số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm gần 70% tổng số lao động ngành Du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phối hợp đào tạo giữa các doanh nghiệp du lịch và cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số hạn chế, chưa thật sự gắn kết với nhu cầu của một số doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của người lao động trong các cơ sở du lịch, gây nên sự dịch chuyển, chuyển đổi việc làm từ đội ngũ lao động du lịch rất lớn. Ngành Du lịch đối diện với những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực và tình hình lao động tại các doanh nghiệp du lịch.

Đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mục tiêu đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu xây dựng được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh. Tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, đối với cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, 100% công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch được bồi dưỡng chuyên môn về du lịch; trong đó 10% công chức lãnh đạo cấp tỉnh được bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch, 40% cán bộ công chức có thể sử dụng một ngoại ngữ đủ để giao tiếp cơ bản với du khách quốc tế. Phấn đấu đến đến năm 2030, 50% cán bộ công chức có thể sử dụng một ngoại ngữ đủ để giao tiếp cơ bản với du khách quốc tế, trong đó 10% có khả năng giao tiếp thông thạo.

Bình Thuận phấn đấu có khoảng 75% lao động trực tiếp trong ngành Du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; 50% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2025 và 85% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; 80% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát, điều tra nắm tình hình, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, từ đó có kế hoạch định hướng đào tạo đúng, đào tạo đủ số lượng cần thiết cho ngành du lịch, hạn chế tình trạng nguồn nhân lực được đào tạo mà không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng ngành nghề được đào tạo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, giám sát chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch thông qua đào tạo và liên kết đào tạo theo phân cấp quản lý, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nghề du lịch gắn với nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động các doanh nghiệp du lịch tích cực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội phối hợp với các cơ sở đào tạo mời các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao đang làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp ở trong và ngoài tỉnh tham gia giảng dạy ở các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh.

Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch chủ động và tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng việc tổ chức đào tạo, huấn luyện tại chỗ cho người lao động của doanh nghiệp; đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ giao tiếp cho người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cải thiện môi trường, điều kiện làm việc ở các cơ sở kinh doanh du lịch, có chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ có tay nghề cao làm việc tại các doanh nghiệp du lịch.

Bài và ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)
Bài toán nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi
Bài toán nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi

Du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng tuyển dụng lại và đào tạo mới nhân lực đang là bài toán cân đối về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau 2 năm bị hao tổn vì dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN