Chỉ 20% nhân lực du lịch Việt đáp ứng nhu cầu
Đó là con số được bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đưa ra khi bàn về chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân được đưa ra là vì chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thừa nhận, trong thực tế, lực lượng lao động du lịch có chất lượng tương đối tốt cũng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang và cũng chỉ có ở các công ty du lịch, khách sạn lớn… Còn lại, nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch, nhu cầu của du khách và yêu cầu của hội nhập quốc tế. Theo số liệu của Lumina Co., công ty phân tích và tư vấn toàn cầu về tất cả các lĩnh vực, cho thấy: Hiện nay chỉ có 11% con số những người được đào tạo ra ở Việt Nam có thể được các tập đoàn lớn về du lịch có đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chấp nhận sử dụng.
Còn theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề. Với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành ở đa số các cơ sở đào tạo hiện nay, phần lớn lao động nghề du lịch ra trường khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó tổng giám đốc khách sạn Sheraton phân tích: “Theo chương trình đào tạo suốt 4 năm học, các em chỉ có 12 tuần thực hành. Trong khi đó, để thực sự đem lại sự hài lòng cho khách đòi hỏi những kỹ năng vô thức. Chẳng hạn, cách khách 5 bước chân, nhân viên đã phải nhìn vào mắt khách, khi họ đến gần hơn phải hỏi chuyện… Để làm tốt kỹ năng này thôi, bình thường nhân viên khách sạn phải thực hành từ 7 đến 21 lần mới thuần thục. Một nhân viên thông thường cần khoảng 52 đến 100 kỹ năng như vậy. Người bình thường cần một năm để học các kỹ năng trong một công việc. Với 4 tuần thực hành của sinh viên, riêng tuần đầu các em phải làm quen với khách sạn, từ môi trường làm việc, đường đi lối lại… Vậy làm thế nào các em học kịp được?”.
Đó là chưa kể, yếu ngoại ngữ vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của sinh viên, lao động nghề du lịch Việt Nam nhiều năm nay. Ngay tại các thành phố lớn, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch có đào tạo bằng ngoại ngữ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu so sánh điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo với khách sạn 4-5 sao -nơi thị trường đang thiếu nhiều nhân lực, thì khoảng cách là rất xa vời. Vậy nên, điều dễ hiểu là nhiều sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm, yếu kỹ năng, không tìm được việc làm, còn ngành du lịch nhiều năm qua càng tăng trưởng mạnh thì nhân lực du lịch càng lâm vào tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
“Xã hội hoá” để …tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở lưu trú cao cấp, các khu vui chơi giải trí lớn muốn có nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thì đều phải… “đào tạo” lại. 20% nhân lực du lịch đáp ứng được nhu cầu thị trường theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam có sự đóng góp đào tạo tương đối lớn từ chính những cơ sở lưu trú cao cấp.
Sự xuất hiện của những nhà đầu tư chiến lược cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng cả về chất và lượng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…trong những năm gần đây đã góp phần vào công cuộc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đà Nẵng. Điển hình nhất là những Tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… với những công trình du lịch tầm cỡ quốc tế, những resort sang trọng trải dọc đất nước được ra đời trong suốt 1 thập kỷ qua như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Premier Village Danang Resort, Premier Village Phu Quoc Resort….không chỉ giúp du lịch Việt Nam rạng danh với thế giới bằng những giải thưởng danh giá, mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu cao của du khách hạng sang.
“Việc xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt trong các tập đoàn chuyên kinh doanh về du lịch sẽ góp phần khiến chất lượng đầu ra tốt hơn, góp phần nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ cho người làm việc trong ngành du lịch. Đây là giải pháp tốt trong thời gian hiện nay khi nhiều học sinh ra trường chưa đủ kỹ năng cao cấp, chuyên nghiệp để phục vụ trong cơ sở của họ. Một mặt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở của chính họ. Đồng thời, góp phần vào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cho các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí khác”- bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 lên 63/140 với nhiều chỉ số được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, theo báo cáo, Việt Nam với đặc điểm tương đồng với những quốc gia có ngành du lịch đang phát triển, vẫn phải giải quyết những vấn đề hạn chế có thể cản trở sự phát triển của ngành du lịch, trong đó có chất lượng lao động.