Bình Thuận chuẩn bị các điều kiện tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023

Chiều 19/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức họp bàn công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh.

Chú thích ảnh
Những hàng dừa vài chục năm tuổi luôn hướng ra biển, tạo nên nét đặc trưng riêng cho biển Mũi Né. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh/TTXVN

Báo cáo về công tác chuẩn bị, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bùi Thế Nhân cho biết: Đến nay, Bình Thuận đã thành lập và kiện toàn Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 và các tiểu ban tổ chức với nhiệm vụ phân công rõ ràng, cụ thể. Tỉnh đã ban hành kế hoạch truyền thông, quảng bá; tổ chức thành công buổi họp báo tại Hà Nội; đồng thời thiết kế xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh để phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá đạt hiệu quả.

Tính đến nay, đã có 3 địa phương trong tỉnh đăng ký hưởng ứng Năm du lịch gồm: Thành phố Phan Thiết đăng ký Giải đua xe đạp mở rộng; huyện Hàm Thuận Nam đăng ký Giải đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú và huyện Phú Quý đăng ký Giải bán Marathon vòng quanh đảo Phú Quý kết hợp với du lịch xanh.

Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh bao gồm hơn 200 sự kiện, hoạt động, trong đó có 13 hoạt động quy mô quốc gia. Điểm nhấn đầu tiên là lễ công bố sự kiện gắn với lễ hội đếm ngược chào năm mới 2023 được tổ chức tối 31/12/2022 tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý kiến và đi đến thống nhất về Bộ nhận diện thương hiệu Năm Du lịch quốc gia 2023 và các hoạt động truyền thông, quảng bá; góp ý dự thảo kế hoạch, địa điểm tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023; kinh phí cho các hoạt động…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Minh khẳng định: Năm Du lịch quốc gia là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô cấp quốc gia và quốc tế, là cơ hội để góp phần giúp ngành du lịch phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới, nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết du lịch giữa các địa phương trong cả nước nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị các tiểu ban thành viên rà soát nhiệm vụ được phân công, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để các hoạt động, sự kiện diễn ra nhịp nhàng, tránh chồng chéo.

Nhấn mạnh việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia là sự kiện quan trọng của tỉnh, cần sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân địa phương, trong đó nguồn lực tổ chức là điều kiện quan trọng, vì vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị thành viên Ban tổ chức nỗ lực vận động nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là kinh phí để tổ chức các sự kiện, hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường quán triệt và tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Tiểu ban truyền thông đẩy mạnh đổi mới phương thức truyền thông, tuyên truyền để tạo sự lan tỏa trong người dân.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch
Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch

Mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực vào Việt Nam và số ngày miễn thị thực, đây là ý kiến của đa số đại biểu tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2022: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không – du lịch. Hội nghị do Báo Nhân Dân và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổ chức chiều 16/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN