Năm 2017, ngành du lịch Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù của địa phương, trong đó có chính sách tập trung phát triển hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch được định hướng phát triển khu du lịch, điểm du lịch quốc gia đã được xác định trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” như: Khu du lịch biển Nhà Mát, khu lưu niệm và nhà hát Cao Văn Lầu, khu nhà công tử Bạc Liêu, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu du lịch điện gió, khu du lịch Quán Âm Phật Đài, khu du lịch nhà thờ Tắc Sậy… Đây là những khu, điểm du lịch đặc sắc của Bạc Liêu, thu hút rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.
Khu nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Xuân Thu Vân: Toàn tỉnh có khoảng 50 cơ sở lưu trú du lịch với gần 1.200 phòng, trong đó có 30 khách sạn được xếp hạng từ 1 sao đến 3 sao. Sở cũng đã thẩm định và ra quyết định cấp biển hiệu cho 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đó là: Cửa hàng thời trang Villa, Cà phê Villa 42, Thuyền trăng quán, Cà phê Kitty, VinCom Plaza, Nhà hàng Thanh Niên... nâng tổng số lên 12 cơ sở kinh doanh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên toàn thành phố. Ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đã và đang duy trì, phát huy hiệu quả 8 điểm du lịch được công nhận là sản phẩm du lịch tiêu biểu trên tổng số 33 điểm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long để khai thác tour, tuyến trong khu vực và cả nước.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Thái Quốc Lưu, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều chương trình dự án với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến gần 6.400 tỷ đồng. Một số dự án du lịch đang được mời gọi đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng điểm du lịch dịch vụ khu vực Tắc Sậy (nhà thờ Tắc Sậy); dự án tổ chức lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng; vườn chim Lập Điền; dự án đầu tư khu du lịch Nhà Mát - Hiệp Thành…
Ngoài ra, Bạc Liêu cũng làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ như đình An Trạch, chùa Giác Hoa, chùa Cỏ Thum… Trong thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; đồng thời tăng cường huy động, đa dạng hóa các hình thức đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, quy mô lớn phục vụ du lịch, đặc biệt là tại các trung tâm du lịch; tập trung xây dựng các dự án về các thiết chế văn hóa ngang tầm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để kêu gọi đầu tư, nhất là từ các nhà đầu tư chiến lược để đưa vào khai thác, phục vụ du lịch.
Bên cạnh việc quan tâm đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mới lạ như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề… tỉnh Bạc Liêu quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc thù, vốn có của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn như hát Dù Kê, múa Rô Băm, hát Tiều, hát Quảng, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Quán Âm Phật đài, lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng, lễ hội Đờn ca tài tử, lễ hội Ok Om Bok, hội đua ghe ngo truyền thống…
Năm 2017, ngành du lịch Bạc Liêu phấn đấu đạt doanh thu 1.150 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2016 và đón tiếp 1,4 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2016.