Phong cảnh Thị xã Châu Đốc nhìn từ Núi Sam. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình: An Giang hiện có trên 86 cơ sở lưu trú với 3.927 buồng, phòng lưu trú; trong số đó phòng khách sạn đạt chuẩn từ 2 đến 4 sao chỉ đạt trên 2.000 phòng, chiếm trên 50%. Tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 15 khu, điểm du lịch đón và phục vụ du khách cùng với các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị và nhiều loại hình dịch vụ mới hình thành.
Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng và lợi thế để An Giang phát triển du lịch. Song để ngành công nghiệp "không khói" này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, An Giang cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua hội chợ, hội nghị liên kết vùng trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Núi Sam, cù lao Giêng, cồn Phó Ba … Song song đó, An Giang cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, kinh doanh vận chuyển hành khách du lịch bằng phương tiện thủy, hoạt động lữ hành, tạo ra môi trường du lịch thân thiện, an toàn.
Bên cạnh đó, An Giang cần có cơ chế chính sách mời gọi đầu tư vào hoạt động du lịch, ưu tiên đầu tư lĩnh vực lưu trú với mục tiêu tăng lên 5.000 phòng đảm bảo phục vụ một triệu lượt khách đến năm 2020. Trong đó, chú trọng vào phân khúc thị trường khách sạn hạng 4 đến 5 sao để tăng chi tiêu từ nguồn khách du lịch chất lượng cao; ưu tiên một phần nguồn ngân sách thích đáng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng, qua đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với An Giang.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: thời gian qua, hoạt động tại các khu - điểm du lịch tỉnh An Giang đã từng bước đi vào nề nếp. Đặc biệt, tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Núi Sam, núi Cấm, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu du lịch núi Sập - Óc Eo... đã và đang từng bước thực hiện quy hoạch chung và chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý an ninh trật tự và thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch của tỉnh An Giang từng bước được quan tâm, đầu tư phát triển như cáp treo Núi Cấm, Công viên văn hóa Núi Sam, Bến tàu du lịch Tân Châu… góp phần thu hút du khách đến với An Giang ngày càng nhiều hơn.
Thời gian tới để du lịch An Giang phát triển một cách bền vững, theo ông Phong, ngoài việc quan tâm đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mới lạ như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch khám phá…, tỉnh cần quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc thù, vốn có của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn như lễ hội đua bò Bảy Núi, Lễ hội Vía Bà Chú xứ Núi Sam, các hoạt động của đồng bào các dân tộc như Khmer, Chăm, Hoa...
Năm 2016, An Giang đã đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 70.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch năm 2016 đạt 3.200 tỷ đồng tăng 110% so với cùng kỳ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương. Năm 2017, An Giang phấn đấu đón trên 6,8 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu ước đạt trên 3.500 tỷ đồng.