Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương:Chính sách về quản lý bảo vệ rừng cần sát với thực tiễn Tôi thống nhất cao với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc đóng cửa rừng và các giải pháp thực hiện khôi phục và phát triển rừng. Tôi cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và chính sách về quản lý bảo vệ rừng sát với thực tiễn. Cụ thể hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo vệ rừng làm cơ sở triển khai việc giao, cho thuê đất rừng, các dịch vụ bảo vệ rừng nhằm gắn kết, khuyến khích người dân địa phương tự nguyện bảo vệ rừng. Nhà nước cũng cần có quy định và chế tài cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy Đảng cấp cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn…
Gần trăm hộp gỗ vuông vắn với kích cỡ “khủng” bị phát hiện trong một vụ phá rừng qui mô lớn vừa diễn ra tại các cánh rừng của xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Sớm tháo “nút thắt” trong công tác giao rừngĐề nghị UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên xây dựng, phê duyệt giá rừng bình quân cho từng khu vực, từng địa bàn để tháo gỡ được “nút thắt” trong công tác giao rừng, cho thuê rừng, truy cứu trách nhiệm và bồi thường giá trị thiệt hại khi xảy ra mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, đó cũng là căn cứ định giá rừng lần tiếp theo để cá nhân, tổ chức và người dân được hưởng lợi từ việc làm tăng trữ lượng gỗ hoặc để liên doanh, liên kết, thế chấp vay vốn… đầu tư quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đổi mới và tăng cường năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, buôn, nhất là lực lượng kiểm lâm địa bàn. Nâng cao vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp trong việc tham gia quản lý bảo vệ rừng…
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Cụ thể hóa nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừngHiện nay, hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách về quản lý rừng theo Quyết định 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sớm nghiên cứu ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng, cụ thể hóa các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, cùng với các chế tài để đảm bảo thực hiện, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng…
Ông Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT: Cần giải pháp để xử lý triệt đểĐảng và Chính phủ đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng từ năm 1992. Thời điểm đó, diện tích rừng ở mức thấp nhất, độ che phủ chỉ còn 27%. Ngành lâm nghiệp đã báo cáo không còn năng lực để đảm bảo phát triển bền vững môi trường đất nước. Do vậy, Chính phủ đã có một quyết định khiến cả thế giới khâm phục. Đó là chương trình 327, bỏ ra 52 triệu USD để thực hiện đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai nguyên nhân chính dẫn tới chảy máu rừng Tây Nguyên là chuyển đổi và phá rừng. Cụ thể, các địa phương đã chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển đất rừng sang mục đích khác như giao thông, công trình công cộng, thủy điện..., còn lại là bởi phá rừng. Như vậy, nói một cách khác, việc mất rừng là do tự phá hoặc phá theo chủ trương của tỉnh. Hiện tượng này buộc các cơ quan chức năng có giải pháp để xử lý triệt để.
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT: Như vậy đã đóng cửa rừng cả nướcTất cả các khu vực khác đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, chỉ còn mỗi khu vực Tây Nguyên là chưa đóng. Nay đóng cửa rừng ở Tây Nguyên tức là đóng cửa rừng cả nước. Việc đóng cửa rừng, ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên đã được thực hiện từ năm 2005, lúc đó toàn quốc có hơn 200 lâm trường, công ty lâm nghiệp khai thác. Năm 2005, nhiều địa phương đã chủ động dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Năm 2010, Bộ NNPTNT có đề xuất Chính phủ giảm dần số lượng khai thác rừng tự nhiên, đến ngày 14/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2242/QĐ-TTg về tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạm dừng gần như toàn bộ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trong phạm vi toàn quốc, trừ 3 đơn vị là Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Quảng Bình), Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) và Công ty Đại Thành (Đăk Nông) được xếp vào doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, được kinh doanh rừng sản xuất. Cả 3 công ty này đều có phương án quản lý rừng tự nhiên được duyệt, có chứng chỉ quốc tế FFC, nên họ được khai thác gỗ rừng tự nhiên với tổng số lượng 18.500 m3/năm.
Tuy nhiên đến nay, xuất phát từ tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT đã đề xuất, đối với địa bàn Tây Nguyên là sẽ đóng cửa rừng, ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên nhằm mục đích thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng chất lượng rừng tự nhiên, 5 - 10 năm nữa mới tính đến khai thác. Hiện tại chúng ta khai thác rừng sản xuất hoặc nhập khẩu gỗ để chế biến, sử dụng.
Một trong những lý do của việc ngừng triệt để khai thác rừng tự nhiên là tránh được tình trạng các xưởng chế biến lợi dụng việc được khai thác rừng tự nhiên để làm ăn gian dối, lạm dụng để khai thác rừng trái phép. Quyết định đóng cửa rừng sẽ giúp giải quyết được nạn chặt phá rừng trái phép, tràn lan, đồng thời giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, nếu bây giờ trong xưởng có gỗ rừng tự nhiên, chắc chắn xưởng đó bị vi phạm.
Ông Trần Hữu Nghị, Tổ chức Tropenbos International Việt Nam: Cần có cách nhìn thực tế để bảo vệ rừngDo thiếu nguồn lực, nhiều công ty quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất còn trữ lượng đang rất khó khăn. Đặc biệt rừng ở Tây Nguyên đang suy giảm do khai thác gỗ lậu và quan niệm “rừng của Nhà nước”. Việc chuyển đổi các công ty lâm nghiệp sang Ban quản lý sẽ giúp công ty tồn tại. Tuy nhiên nếu không thay đổi mối quan hệ giữa Ban quản lý và người dân sẽ không giải quyết được vấn đề mất rừng và suy thoái rừng do người dân chưa được hưởng lợi, đặc biệt từ rừng tự nhiên