Vở kịch ‘Chuyện nhà Dr Thanh’ lan tỏa tình cảm gia đình

Một vở kịch không phô diễn rộng rãi. Không có diễn viên chuyên nghiệp. Không bán vé. Không “trống rong cờ mở”. Ấy thế nhưng, nó lại cuốn hút từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Khán giả khóc cười với nhân vật. Khán giả ngộ ra nhiều điều về tình cảm gia đình. Khán giả không muốn về khi kịch đã tan. Nhiều khán giả tiếc nuối khi không được xem…

Không thể khác. Chính là thành công của vở kịch nội bộ, được chuyển thể từ tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” của tác giả Trần Uyên Phương, mới được công diễn hai suất duy nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Mở đầu vở kịch là một bài hát ý nghĩa về tình gia đình do ba cha con nhà Dr Thanh biểu diễn.

Hiệu ứng bất ngờ

Có thể nói, vở kịch “Chuyện nhà Dr Thanh” được nhà biên kịch Lê Chí Trung chắp bút và được đạo diễn Phùng Nguyên tập luyện cho đội ngũ diễn viên không chuyên của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã tạo ra một hiệu ứng bất ngờ cho độc giả, tiếp nối thành công của cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”, được ra mắt năm 2017.

Chú thích ảnh
Trần Uyên Phương - tác giả cuốn sách "Chuyện nhà Dr Thanh" là người dẫn truyện trong vở kịch này.

Ngay chính những người làm kịch và chủ nhân của ý tưởng dàn dựng vở kịch là cô con gái cả của Dr Thanh và Madam Nụ, đều bất ngờ trước sự “vượt rào” của vở kịch khi nó lập tức tạo ra sức lan tỏa về tình yêu thương gia đình, phụ nữ với khán giả ngay sau buổi biểu diễn. Bởi: “Khi làm vở kịch này, mình chỉ muốn cùng ba, em gái và nhân viên của gia đình Tân Hiệp Phát gửi một món quà đến má Nụ nhâp dịp ngày Phụ nữ Việt Nam sắp đến thôi”, Uyên Phương chia sẻ.

Chú thích ảnh
Diễn viên không chuyên đã hóa thân thành công khi vào vai chàng trai Trần Quí Thanh ham chơi, luôn tự tin vì là “con nhà giàu”.

Chỉ với mấy phân cảnh, hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng vở kịch đã tái hiện được trọn vẹn hành trình từ khi ông Thanh còn là một cậu bé “phá làng phá xóm” cho đến những năm tháng trưởng thành, kinh qua biết bao thăng trầm, va vấp trên đường đời để một tay xây dựng nên thương hiệu Tân Hiệp Phát dám “vượt lên người khổng lồ” hiện nay.

Và nổi bật lên tất cả, là hình ảnh người vợ tần tảo, giỏi giang, luôn bên cạnh chồng những lúc khó khăn, thậm chí chịu nhẫn nhịn để gìn giữ gia đình. Một madam Nụ mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách, bệnh tật nhưng cũng là người luôn hi sinh vì gia đình, hết mực yêu thương chồng con. Bà là một người phụ nữ bản lĩnh, cá tính, biết lúc nào phải cứng rắn, lúc nào phải mềm mỏng với một người chồng “lắm tài nhưng cũng nhiều tật” như Dr Thanh!

Chú thích ảnh
Chàng trai Dr Thanh ngày nào đã thay đổi cuộc đời khi gặp cô hoa khôi trường Luật tên Nụ.

Điều đáng ghi nhận nhất là vở kịch rất ngắn, nhưng có đầy đủ cao trào để lấy đi không ít nước mắt của khán giả khi chứng kiến người vợ kiên cường ấy đã có lúc tưởng như gục ngã vì bệnh hiểm nghèo; khi cô con gái lớn thậm chí lên tiếng xui mẹ “Hãy li dị ba đi để sống cuộc sống của mẹ!”… Những chi tiết nổi da gà khi người đàn ông tưởng như sắt đá, lạnh lùng Dr Thanh lại run rẩy khóc xin bác sỹ cứu vợ mình. Nói rằng: “Không có bà ấy thì tôi không còn động lực làm việc và sống nữa!”…

Rồi tất cả vỡ òa khi bà Nụ “từ cõi chết trở về”, từng thành viên trong gia đình vỡ òa hạnh phúc vì chỉ khi trải qua hết những thăng trầm, thử thách, họ mới nhận ra sợi dây tình cảm tha thiết bền chặt của tình vợ chồng, cha con, gia đình… Thứ tình cảm thiêng liêng sâu lắng, mà cuộc sống bận rộn đời thường, mải lo nghiệp lớn, họ đã tưởng như bị biến mất và lãng quên…

Chú thích ảnh
Cao trào của vở kịch được đẩy lên ở hình ảnh Madam Nụ bị ngất phải đi cấp cứu.

Chinh phục khán giả bằng thông điệp đẹp

Với thông điệp nhân văn, vở kịch lại còn được dàn diễn viên đều là nhân viên của Tân Hiệp Phát, những người “sống” với gia đình này hàng ngày thể hiện. Đây là những điểm cộng lấy đi toàn bộ tình cảm của khán giả khi xem vở kịch “Chuyện nhà Dr Thanh”.

Chú thích ảnh
Mới công chiếu 2 suất tại TP Hồ Chí Minh nhưng vở kịch đã được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Bên cạnh đó, vở kịch may mắn được nhà biên kịch tài ba Lê Chí Trung biên soạn, dưới sự hướng dẫn tận tình của đạo diễn Phùng Nguyên. Nhờ có họ mà những nét diễn vụng về lần đầu lên sân khấu của các diễn viên không chuyên đã dần biến mất, thay vào đó là sự hóa thân toàn diện, nhuần nhuyễn vào nhân vật.

Chú thích ảnh
Nhân vật Nụ thời trung niên do Nguyễn Thị Thu Hằng thủ vai đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Là người hướng dẫn, gọt dũa các diễn viên không chuyên này, đạo diễn Phùng Nguyên cho rằng, chính nội dung câu chuyện về gia đình và sự đam mê, nỗ lực của các diễn viên không chuyên đã thôi thúc đạo diễn quyết định dành nhiều thời gian hơn để cùng các diễn viên này hoàn thành vở kịch. Bạn Nguyễn Thị Thu Hằng, phòng mua hàng đóng vai nhân vật Nụ thời trung niên, một vai diễn hóa thân thành công ngoài tưởng tượng chia sẻ: “Má Nụ luôn yêu thương, quan tâm tụi em trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian má Nụ điều trị bệnh, không có bàn tay chăm lo của má, tất cả đều rất nhớ thương. Cho nên, em thấy thật may mắn và hạnh phúc được vài vai má. Có lẽ chính vì yêu quý và hiểu con người má nên em mới có sự nhập tâm khi vào vai như vậy”.

Nán lại sau khi buổi diễn kết thúc, NSƯT Hoàng Yến xúc động nói: “Tôi đến xem vở kịch với tâm thế các diễn viên không chuyên thì không thể diễn hay, cho nên mình sẽ "bê" về Nhà hát để dàn dựng cho diễn viên chuyên nghiệp diễn. Nhưng em xong thì tôi biết ngay rằng ý định này đã thất bại. Chắc chắn các em phải có một tình cảm sâu sắc với gia đình Dr Thanh thế nào thì mới hóa thân nuột nà được như vậy! Vở kịch này nên công diễn rộng rãi cho công chúng để khán giả hiểu, yêu giá trị gia đình hơn”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh cô hoa khôi trường Luật năm nào nay vác bụng bầu đi bỏ mối hàng là hình ảnh đẹp nói lên  sự tần tảo của người phụ nữ Việt Nam.

Nhiều khán giả cùng bày tỏ, vở kịch đã giúp họ hiểu được sự trưởng thành của các ông lớn Việt Nam muốn vươn ra biển lớn phải cực nhọc, thử thách ra sao. Và để có sự thành công hôm nay của Tân Hiệp Phát, còn có sự hy sinh đóng góp rất lớn của bà Nụ, một hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Luôn quên đi bản thân mình để tập trung chăm lo cho đại gia đình, cho chồng, con yên tâm làm việc, thành công hơn ở xã hội.

Chú thích ảnh
Dù là lần đầu lên sân khấu nhưng các diễn viên không chuyên đã hóa thân xuất thần trong các vai diễn của mình.

Nhà biên kịch Lê Chí Trung thì xúc động chia sẻ: “Mặc dù chỉ diễn nội bộ, nhưng vở kịch đã liên tiếp đưa khán giả đi đến những cung bậc cảm xúc buồn có, vui có và nhận được những phản hồi rất tích cực. Bởi đây là vở kịch xúc động và nhân văn mà bất cứ gia đình nào cũng nhìn thấy một phần của mình ở trong đó. Ở đó, mỗi người cần phải biết trân quý tình cảm gia đình, tình cảm chồng vợ, tình cảm con cái dành cho cha mẹ!”.

Chú thích ảnh
Madam Nụ đã rơi nước mắt khi xem vở kịch này.

Thông qua nội dung của câu chuyện cổ tích của gia đình ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, khán giả cũng đã biết cảm thông, chia sẻ hơn với những người phụ nữ trong gia đình. Một khán giả nam sau xem xong vở kịch bộc bạch ngập ngừng rằng, trong suốt buổi xem kịch, anh đã nghĩ đến người vợ mình. Anh chia sẻ thường xuyên đi công tác xa nhà, thậm chí cả tháng mới gặp vợ một lần. Nhờ hình ảnh những người phụ nữ như Madam Nụ trong vở kịch mà anh đã nhận ra, mình phải thương vợ mình nhiều hơn, cảm ơn vợ mình thật nhiều khi đã chăm sóc gia đình nhỏ bé. Đặc biệt, anh cũng hiểu mình cần phải chia sẻ và đồng cảm nhiều hơn với vợ vì những hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ.

Nhiều khán giả khác cũng có chung cảm nhận: Ở tác phẩm này, người xem hiểu được rằng, khi sóng gió ập đến thì gia đình luôn nơi bao bọc và đem đến năng lượng sống, nguồn động lực mạnh mẽ để mọi người cùng vượt qua khó khăn. Khán giả cũng cảm nhận được tình cảm vợ chồng, nghĩa phu thê khi chứng kiến hình ảnh người cha Dr Thanh nghiêm khắc và lạnh lùng với gia đình, nhưng lại yếu đuối khi chứng kiến cảnh vợ nằm trong phòng cấp cứu…

Chú thích ảnh
 Ông chủ “lạnh lùng” của Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh đã không ngại ngần hôn vợ trước đám đông để tỏ lòng cảm ơn người vợ của mình.

Sau tất cả, mọi sóng gió đã đi qua. Giờ đây, ông chủ “lạnh lùng” của Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh, đã không ngại ngần hôn vợ trước đám đông và nói lên những lời yêu thương trân trọng người vợ kết tóc xe duyên, tri kỷ của đời mình: “Vở kịch này như một món quà, món quà tôi thay mặt những người đàn ông cảm ơn sự tận tuỵ, hi sinh của những người phụ nữ trong gia đình. Những người phụ nữ đã cùng những người chồng hằng ngày vun đắp xây dựng gia đình, giữ lửa cho gia đình, cùng người chồng vượt qua khó khăn trong công việc, cuộc sống. Tặng cho Nụ, cánh tay mặt của anh!”.

H.N - H.T/Báo Tin tức
45 Hoa khôi sinh viên giao lưu với tác giả 'Chuyện nhà Dr Thanh'
45 Hoa khôi sinh viên giao lưu với tác giả 'Chuyện nhà Dr Thanh'

Trước đêm chung kết cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam, 45 thí sinh xuất sắc đã cùng nhau tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như tập catwalk, giao lưu về khởi nghiệp với các doanh nhân, thăm quan dây chuyền công nghệ Aseptic sản xuất Trà thanh nhiệt Dr Thanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN