Về Prăng xem Sơmă Kơcham của người Bahnar

"Sơmă nghĩa là lễ cúng, kơcham nghĩa là cái sân. Sơmă Kơcham là lễ cúng sân". Đây là lễ cúng lớn trong năm, một nét văn hóa rất Bahnar của các làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đầu nguồn dòng suối Hway (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai).

Chú thích ảnh
Lễ cúng Sơmă Kơcham của người Bahnar tại làng Prăng, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. 

Dòng suối Hway chảy uốn lượn, ôm trọn các ngôi làng Bahnar truyền thống. Giữa khoảng sân trống của ngôi nhà Rông lớn, cả trăm người con của làng Prăng chia thành nhiều nhóm đang tất bật chuẩn bị cho lễ Sơmă Kơcham. Những cụ già tỉ mỉ chẻ tre, chuốt nan. Thanh niên sửa soạn, chặt và trang trí lên thân cây tre để dựng cây nêu. Bếp lửa được đốt lên giữa khoảng sân rộng để nướng và hầm nấu phần thịt ngon nhất dành cho lễ cúng. Bộ cồng chiêng được lau sạch và thử lại âm. Phụ nữ chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống cho mình và các em nhỏ. Không khí lễ hội ngập tràn muôn nơi.

Già Đinh Văn Luông, thành viên Hội đồng già làng Prăng kể, mỗi năm, người Bahnar ở làng Prăng sẽ tổ chức lễ cúng bên trong nhà Rông và sân nhà Rông. Đây là hai nghi thức lớn của làng nhằm tưởng nhớ đến những người trong làng đã mất, cầu nguyện Yàng cho bà con một năm khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng sân còn có ý nghĩa bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch cho dân làng.

Chú thích ảnh
Đội xoang nữ của làng Prăng vui hội Sơmă Kơcham. 

Gần 12 giờ, những phần việc cho nghi lễ cũng dần xong. Hai cây nêu được dựng ngay trước công trình nước sạch cũng nằm trong sân nhà Rông. Bà con bắt đầu đem những ghè rượu đã được ủ thơm nức đến góp lễ, nối thành một hàng dài, hai ghè rượu to được buộc dưới chân mỗi cây nêu, hai xiên thịt nướng, ba nồi thịt hầm cũng được bày xung quanh. Xong đâu đấy, Hội đồng già làng gồm 9 thành viên đứng xung quanh cây nêu, chuẩn bị nghi thức cúng. Đội cồng chiêng "nhí" và thanh niên vào hàng ngũ chỉnh tề. Các già làng bắt đầu đọc bài cúng cũng là lúc tiếng trống, chiêng nổi lên rộn rã, trầm hùng vang vọng. 5 già sẽ đảm nhận nhiệm vụ dâng lễ cúng lên Yàng, 4 già còn lại sẽ khấn nguyện, mời lễ những người đã khuất. Trong lúc đó, đội chiêng và đội xoang diễn tấu xung quanh sân của nhà Rông.

Lễ cúng kết thúc, Hội đồng già làng cùng nhấp những ngụm rượu đầu tiên trong hàng dài ghè mà dân làng đem đến góp lễ. Theo sau, bà con thực hiện nghi thức tương tự, mang theo ước vọng về một năm mới, mùa vụ mới thuận lợi, an lành. Mỗi hộ dân còn được chia một xâu thịt heo từ lễ cúng đem về để lấy may.

Chú thích ảnh
Đội chiêng Nhí cũng góp vui trong lễ Sơmă Kơcham. 

Phần hội lúc này mới bắt đầu và kéo dài đến hết ngày hôm sau. Buổi tối, bà con cùng nhau đánh chiêng, múa xoang và hát dân ca mãi đến khi ánh trăng tàn… Sau lễ cúng này, bà con trong làng yên tâm lên rẫy, sẵn sàng cho một mùa vụ mới mang theo niềm tin no ấm, đủ đầy.

Qua từng năm tháng, các ngôi làng Bahnar dần đổi thay. Tuy nhiên những nghi lễ truyền thống đặc sắc vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền. Dưới bóng mát của ngôi nhà Rông sừng sững giữa buôn làng, chứng kiến những em nhỏ hòa mình vào từng nhịp chiêng, điệu xoang mới thấy được công tác bảo tồn nét văn hóa đặc sắc này đang đi đúng hướng. Hình ảnh vui tươi, dí dỏm của nhân vật pơtual (người tấu hề) của hai cậu bé Đinh Minh (11 tuổi) và Đinh Vệ (8 tuổi) khiến người xem không khỏi thích thú khi vừa đánh chũm chọe vừa tấu hề bằng khuôn mặt giàu biểu cảm. Với làng Prăng, tình yêu, niềm tự hào với văn hóa truyền thống được cả cộng đồng làng gìn giữ và truyền dạy qua bao đời.

Chú thích ảnh
Người dân trong làng mỗi người một tay góp sức cho lễ Sơmă Kơcham. 

Đặc biệt, qua từng nghi thức cúng của lễ Sơmă Kơcham là dịp để người dân trong làng thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau. Chính quyền địa phương thông qua các lễ cúng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của làng.

Anh Đinh Văn Diu - Thôn trưởng Prăng vui mừng, ngoài lễ cúng trong và ngoài nhà Rông, cứ 2 năm một lần, làng tổ chức đâm trâu. Ngoài ra, mỗi gia đình, dòng họ còn gìn giữ một số lễ cúng khác như pơ thi, cúng trăng… Qua mỗi lễ cúng, bà con càng thêm đoàn kết, lớp trẻ càng biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ đó, các nghi thức lễ cúng cho đến hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, cồng chiêng… độc đáo của người Bahnar vẫn được truyền dạy, giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Rời Prăng để lại những âm thanh trầm hùng của cồng, chiêng phía sau lưng, dọc con đường bê tông uốn lượn theo con suối Hway, nếp làng Bahnar đang đổi thay qua từng mùa lễ Sơmă Kơcham.

Bài và ảnh: Quang Thái (TTXVN)
Bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công của dân tộc Bahnar
Bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công của dân tộc Bahnar

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN