Triển lãm "Trang phục và trang sức truyền thống người Việt đầu thế kỷ XX", do Hội những người bạn của Huế xưa phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế tổ chức tại Nhà Tri thức, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã mang lại cho người xem một cái nhìn khá phong phú về trang phục và trang sức của người Việt xưa.
Triển lãm trưng bày nhiều bức hình họa về trang phục, trang sức người Việt đầu thế kỷ XX, được trích ra từ bộ sưu tập gồm 400 hình ảnh, tập hợp trong ấn phẩm có nhan đề "Tập hợp hình họa Đông Dương", do nhà sách Paul Geuthner ở Pari (Pháp) ấn hành. Phần lớn trong số đó giới thiệu Đông Dương - truyền thống xưa qua hình ảnh, được thực hiện bởi các học viên của Trường Mỹ thuật Gia Định khi đến các đất nước khác nhau: Việt Nam (gần 70% hình ảnh), Campuchia và Lào. Với những kỹ thuật đa dạng khi vẽ như bằng bút chì, màu nước, vẽ bôi nước, bút màu, mộc bản..., các tác giả đã giới thiệu trang phục quần áo, khuyên tai, dép, guốc, nón… trong các lễ hội, lễ tang, đám cưới, đời sống sinh hoạt của người dân nước ta trong giai đoạn 1935- 1937. Tiêu biểu là " Trang phục của thầy đồ những năm 1934-1935"; "Trang sức của vùng thượng du Bắc Kỳ 1934-1935", "Trang phục dân tộc Mèo, Bắc Kỳ - Sa Pa 1934-1935", "Trang phục ngày lễ - Đám cưới ở Nam Kỳ 1934-1935", "Những đôi guốc 1934-1935", "Bắc Kỳ - Người nông dân mặc áo tơi 1934-1935", "Trang phục của người Ê Đê - Trung Kỳ 1934-1935", "Kiểu tóc xưa của người phụ nữ Nam Kỳ 1934-1935" ...
Quốc Việt