Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cho giải Vàng cho tác giả Phạm Bằng với tác phẩm "Sau cơn lũ". Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Năm nay, Giải ảnh báo chí Khoảnh khắc Vàng 4 được trao nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2016) nên càng có ý nghĩa đặc biệt với một giải ảnh báo chí thường niên uy tín mang tầm quốc gia.
Được phát động từ ngày 5/7 đến 31/8, Ban tổ chức đã nhận được 6.343 tác phẩm của 624 tác giả từ 63 tỉnh thành gửi dự thi, trong đó, ảnh đơn có 5.793 tác phẩm, ảnh bộ có 550 tác phẩm. Hội đồng giám khảo đã quyết định chọn 71 tác phẩm trưng bày tại Lễ trao giải. Trong đó, ảnh đơn không có HCV, 2 HCB, 3 HCĐ và 6 giải khuyến khích. Phóng sự ảnh, ảnh bộ gồm 1 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ và 5 giải khuyến khích.
Phát biểu tại Lễ trao giải và Khai mạc triển lãm ảnh Khoảnh khắc Vàng 4, ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN cho biết: “Với mục tiêu đưa ảnh báo chí vươn lên tầm chất lượng mới, khẳng định vị thế xứng đáng của ảnh báo chí trong hoạt động báo chí nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung, TTXVN đã quyết định tổ chức Giải báo chí mang tên Khoảnh khắc Vàng. Năm nay đã lần thứ 4, Khoảnh khắc Vàng hiện diện trong làng báo, làng nhiếp ảnh. Sự hợp tác hiệu quả của Hội Nghệ sĩ nghiếp ảnh Việt Nam đã mang đến thành công đáng phấn khởi”.
“Việc tổ chức Giải báo chí Khoảnh khắc Vàng, chúng tôi mong muốn có những bức ảnh thật sự mang tính báo chí, phản ánh chân thực, sinh động các sự kiện đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra sôi động trên đất nước. Đó là tiêu chí của ảnh báo chí và cũng là tiêu chí của Giải Khoảnh khắc Vàng", ông Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Nhận xét về chất lượng các tác phẩm dự thi "Khoảnh khắc Vàng" lần thứ 4, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo khẳng định: Các ảnh báo chí dự thi "Khoảnh khắc Vàng" năm nay đã đề cập khá toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tình hình hoạt động của đất nước, những thành tựu, thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng phản ánh những mặt còn hạn chế do điều kiện thời tiết, thiên tai và con người gây ra, tác động không nhỏ đến môi trường, đời sống xã hội của chúng ta. Các tác phẩm đoạt giải thưởng có chất lượng tốt, phản ánh đúng những sự kiện, vấn đề "nóng", nhân vật nổi bật trong năm qua như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016, "Thần đồng đánh trống" Trọng Nhân; hậu quả của biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, vấn đề môi trường sống ở các tỉnh Bắc Trung bộ...
Xúc động khi nhận HCV bộ ảnh “Sau cơn lũ dữ”, phóng viên ảnh Phạm Bằng, đến từ báo Lào Cai cho biết: “Đêm 4/8/2016, cơn lữ lịch sử tràn về thôn Sùng Hoàng 1 và Sùng Hoàng 2 thuộc xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) làm 3 người mất tích, cuốn trôi 16 nóc nhà với toàn bộ tài sản, vật nuôi và cây cầu treo bắc qua suối. Sau khi nhận được tin, sáng 5/8, tôi đi 24 km lầy lội từ thành phố Lào Cai vào xã Phìn Ngang. Sau đó, để vào thôn Sùng Hoàng 1, tôi phải đi bộ gần 5 km. Trong bộ 7 bức ảnh dự thi, tôi ấn tượng nhất là bức ảnh người phụ nữ Dao đang đau đơn khóc và phải vịn tay vào người đàn ông đứng cạnh. Phụ nữ Dao rất ít khóc, người phụ nữ trong bức ảnh bật khóc cho thấy họ đang chịu nỗi đau tột cùng. Sau này tôi mới biết, nhà chị phụ nữ trong bức ảnh có 3 người mất tích. Đây là lần thứ 2 tôi tham gia giải Khoảnh khắc Vàng và không ngờ đạt giải cao nhất cuộc thi này”.
Còn tác giả Phan Xuân Nguyên, đến từ Đài truyền hình Gia Lai đạt giải HCB với bộ ảnh “Chiếu bóng về bản xa”. Đi hàng nghìn cây số từ Gia Lai ra Hà Nội nhận giải, Phan Xuân Nguyên cho biết: “Tôi chụp bộ ảnh này trung tuần tháng 8/2016 khi đi làm phim tài liệu về đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm văn hóa, điện ảnh và du lịch tỉnh Gia Lai với các đêm chiếu tại 3 xã vùng sâu Yang Trung, Đăk Kơ Ning, Sơ Ró thuộc huyện Kông Chro, Gia Lai. Bức ảnh tôi tâm đắc nhất là hình ảnh các trẻ em đồng bào dân tộc đang háo hức đợi xem phim chiếu bóng. Dù thời buổi hiện nay còn rất nhiều tivi nhưng người dân vẫn ngóng đợi xem phim đội chiếu bóng lưu động bởi chiếu nhiều phim truyền thống. Dịp đó, đội chiếu phim nhựa “Đất nước đứng lên” về anh hùng Núp, một biểu tượng của đồng bào dân tộc Tây nguyên”.
“Là quay phim nhưng tôi rất mê chụp ảnh. Đây là giải cao nhất và duy nhất đến nay tôi nhận được. Nhân dịp ra ngoài bắc, tôi sẽ cùng với nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đến chụp ảnh mùa vàng tại Mù Căng Chải (Yên Bái). Đây sẽ là kỷ niệm đẹp với cá nhân tôi”, tác giả Phan Xuân Nguyên chia sẻ thêm.
Còn Nguyễn Tất Sơn, phóng viên Báo ảnh Việt Nam (TTXVN), HCB phóng sự ảnh “Tan hoang Cửa Đại” cho biết: “Để làm phóng sự ảnh này, tôi thực hiện trong 1 tuần. Chủ đề này tôi đã ấp ủ từ lâu. Cách đó 6 năm, gia đình tôi đã vào nghỉ dưỡng tại đây và thấy phong cảnh hoang sơ. Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu, bãi biển Cửa Đại giờ trông tan hoang và tôi muốn phản ánh thực trạng này. Chúng ta cần hành động để khôi phục và giữ cảnh quan”.
Có thể nói, các tác phẩm Khoảnh khắc Vàng đã phản ánh rất nhiều chiều của cuộc sống, mang tính thời sự báo chí cao. Những khoảnh khắc ấn tượng ấy đã đọng lại với nhiều đối với người xem trong những cảm xúc riêng.