Trao Danh hiệu AHLĐ cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam

Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trọng thể ngày 27/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn danh hiệu Anh hùng Lao động lên lá cờ truyền thống của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và trao danh hiệu cao quý này cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.
Chúc mừng và biểu dương những thành tích mà tập thể Nhà hát đạt được trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Danh hiệu Anh hùng Lao động được Chủ tịch nước trao tặng dịp này thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến nghệ thuật của Nhà hát trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, để Nhà hát ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với danh hiệu cao quý vừa nhận được, Nhà hát cần tiếp tục xây dựng tác phẩm, chương trình nghệ thuật mới giàu nội dung, đa dạng phong cách thể hiện, phản ánh chân thực cuộc sống, bản sắc văn hóa, tâm hồn người Việt Nam; tuyên truyền giới thiệu rộng rãi hơn nữa các chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao đến với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ, khán giả nước ngoài.

Nhà hát cũng cần tiếp tục phấn đấu tạo phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn khán giả; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống văn nghệ sỹ, xứng đáng là đơn vị nghệ thuật hàng đầu cả nước về ca, múa, nhạc.

Khởi đầu từ Đoàn Ca, Múa, Nhạc nhẹ Trung ương với 15 cán bộ, nghệ sỹ; đến nay Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã trưởng thành với 140 nghệ sỹ, diễn viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn vững vàng.

Trong những năm qua, Nhà hát đã tổ chức nhiều chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào trên khắp mọi miền đất nước và trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật có uy tín, danh tiếng hàng đầu trong cả nước.

Trong bối cảnh giao lưu văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Nhà hát đã làm tốt công tác sưu tầm, nâng cao và phát triển nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc đi đôi với tiếp thu, học hỏi những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca múa nhạc đương đại thế giới, góp phần làm phong phú thêm loại hình ca múa nhạc đương đại việt Nam, làm cho loại hình nhạc nhẹ ngày càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.

Nhà hát luôn năng động, đổi mới, sớm thích ứng với cơ chế thị trường, thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều chương trình biểu diễn của Nhà hát tạo được sức cuốn hút lớn đối với công chúng Việt Nam, khán giả các nước, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đón nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn của đất nước; tăng cường giao lưu, hội nhập văn hóa với các nước trên thế giới.


Từ năm 2009, Nhà hát là đơn vị nghệ thuật công lập đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đến nay, doanh thu hàng năm của Nhà hát đạt trên 40 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trên 400%. Thu nhập của cán bộ, nghệ sỹ đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi thực hiện tự chủ…

Trên cơ sở đó, Nhà hát đã tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, không ngừng vươn lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đề ra, lập nhiều thành tích trong việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Với những thành tựu trong 30 năm xây dựng, trưởng thành, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, các nghệ sỹ của Nhà hát đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Mỹ Bình (TTXVN)
Khi các Nhà hát vào guồng “xã hội hóa”
Khi các Nhà hát vào guồng “xã hội hóa”

Không còn thời gian để “lùi” nữa, lộ trình xã hội hóa của các nhà hát đã bắt đầu triển khai từ năm 2015. Dù đã có nhiều năm để chuẩn bị tiềm lực, nhưng không phải nhà hát nào cũng “thuận buồm”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN