Chương trình nhằm giới thiệu đến đông đảo khách tham quan, nhà nghiên cứu về bản sắc văn hóa, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; đồng thời, tạo điều kiện cho nghệ nhân các dân tộc thiểu số được trình diễn, giao lưu và có cơ hội đưa văn hóa truyền thống đến gần với công chúng. Đây cũng là hoạt động giúp thế hệ trẻ, nhất là các học sinh, sinh viên có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về văn hóa truyền thống, thu hút sự quan tâm của các em trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Đến với chương trình, đoàn nghệ nhân dân tộc Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) mang đến những loại nhạc cụ truyền thống như: Vông, Đinh pút (Klong Put), Tinning, Đinh Jơng, BrọĐung, đàn T’Rưng, đàn đá, cồng chiêng…
Ông A Dip (đoàn nghệ nhân dân tộc Hà Lăng) cho biết, mỗi loại nhạc cụ truyền thống của người Hà Lăng đều được sử dụng trong các hoạt động cụ thể. Để chế tác ra các loại nhạc cụ, các nghệ nhân cần có đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật tốt cùng sự tỷ mỷ, học hỏi. Hiện nay, trong cộng đồng các thôn, làng của người Hà Lăng không còn nhiều nghệ nhân có thể chế tác được các loại nhạc cụ. Song, các nghệ nhân lớn tuổi vẫn đang miệt mài chế tác và tìm kiếm, phát triển các nghệ nhân trẻ, giúp bảo tồn các loại nhạc cụ của dân tộc.
Đi du lịch Việt Nam, ông Michi cùng vợ là bà Clara (du khách đến từ Đức) đã đến Kon Tum vào dịp đầu Xuân Giáp Thìn. Vợ chồng ông rất thích thú với việc trải nghiệm các văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Đặc biệt, vợ chồng ông còn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân tạo ra nhạc cụ hoàn toàn thủ công.
“Tôi chưa từng thấy các loại nhạc cụ, các tiết mục biểu diễn đầy màu sắc như thế. Tôi và vợ cảm thấy rất thú vị. Ở mỗi khu vực chế tác, chúng tôi đều đến chứng kiến và lưu lại khoảnh khắc bên các nghệ nhân. Tôi cũng thử đánh đàn T’rưng nhưng nó khá khó. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến hành trình của chúng tôi đến Việt Nam”, ông Michi chia sẻ.
Bên cạnh trải nghiệm các văn hóa truyền thống, người dân và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian của các đoàn nghệ nhân như: múa lân, đập niêu đất, trèo cột mỡ…; hay được hòa mình vào các tiết mục biểu diễn cồng chiêng, điệu múa chiêu… của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa.
Ông Nguyễn Thọ Thảo (trú thành phố Kon Tum) cho biết, dịp cuối tuần, cả gia đình ông đến Bảo tàng tỉnh trải nghiệm văn hóa truyền thống, tham gia các hoạt động, trò chơi dân gian. Ông đã đưa con, cháu đến tham quan cùng bởi vì nhận thấy các nét đẹp văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, nên cần có sự truyền đạt cho thế hệ trẻ.
“Hiện nay, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum là khá khó khăn. Tôi đưa cả gia đình đi để các con, các cháu được tận mắt chứng kiến sự đặc sắc của các loại hình nghệ thuật truyền thống hay tham gia trực tiếp vào các trò chơi để thế hệ trẻ hiểu biết rõ hơn về chúng. Tôi nghĩ sự ủng hộ, theo dõi của người dân, du khách chính là động lực để các nghệ nhân tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”, ông Thảo chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết, để thực hiện chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024”, đơn vị đã mời các nghệ nhân và đoàn nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống của các dân tộc như: Hà Lăng, J’Rai, Giẻ Triêng… để giới thiệu cho người dân, du khách. Các loại nhạc cụ được chế tác tại chỗ sẽ giúp người dân tham quan hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các bước chế tạo. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các loại nhạc cụ truyền thống và văn hóa truyền thống của các dân tộc.
“Bên cạnh chế tác, trình diễn các loại nhạc cụ, văn hóa truyền thống, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum còn tổ chức trưng bày kết quả sưu tầm tư liệu hóa về di sản “Nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum” để nhân dân, du khách có cái nhìn tổng thể về kho tàng đồ sộ các loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Những nhạc cụ này cùng với cộng đồng các dân tộc thiểu số đã tạo nên âm vang cho núi rừng Tây Nguyên trong suốt hàng nghìn năm qua. Tuyệt vời hơn khi những âm thanh này được vang lên trong dịp Tết Nguyên đán, mừng mùa Xuân mới Giáp Thìn”, bà Đỗ Thị Thanh Thủy khẳng định.