TP Hồ Chí Minh: Nhà hát phải đi thuê... sân tập

Do nơi làm việc cũ kỹ, ẩm thấp, suốt nhiều năm qua, tập thể các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đều phải thuê phòng tập tại nhiều nơi như sàn tập múa số 81 Trần Quốc Thảo (quận 3), Rạp Thanh Vân… với chi phí thuê lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người dân cũng ngày một nâng cao. Song, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa điểm thưởng thức văn hóa, nghệ thuật đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được điều kiện cần và đủ trong các hoạt động của nghệ sĩ, diễn viên cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, du khách khi đến thành phố.

Nhà hát mòn mỏi chờ nâng cấp

Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị hoạt động nghệ thuật có chất lượng và hiệu quả tại thành phố. Tuy nhiên, văn phòng làm việc của nhà hát lại nằm ngay dưới tầng hầm của Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Do nơi làm việc cũ kỹ, ẩm thấp, suốt nhiều năm qua, tập thể các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đều phải thuê phòng tập tại nhiều nơi như sàn tập múa số 81 Trần Quốc Thảo (quận 3), Rạp Thanh Vân… với chi phí thuê lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhà hát Bến Thành - một trong những nhà hát có thể tạm đáp ứng yêu cầu tổ chức biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh:sggp.org.vn

Theo ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch thành phố, năm 1999, thành phố đã lên kế hoạch dự án xây dựng nhà hát. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy…bởi nhiều lý do về quy hoạch kiến trúc địa điểm xây dựng nhà hát vẫn chưa được chốt. Từ kế hoạch ban đầu là xây dựng nhà hát trên đường Lê Duẩn, rồi đến Công viên 23/9, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) bây giờ lại vòng về Công viên 23/9.

Trong khi chờ thành phố quyết định địa điểm và thời điểm xây, Ban Giám đốc, diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn trong tập luyện để có những tiết mục tốt nhất phục vụ khán giả.

Đầu năm 2017, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội thành phố được chuyển đến Rạp Thủ Đô, đường Châu Văn Liêm, quận 5. Đây là Rạp hát được xây dựng từ trước những năm 1975 nên đã cũ kỹ, xuống cấp. Tuy đã được thành phố cải tạo, nâng cấp lại với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng hiện trạng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ông Đỗ Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội cho biết, các hạng mục sửa chữa cho Nhà hát gồm các phòng làm việc, hệ thống âm thanh, ánh sáng…, còn hệ thống ghế ngồi, sàn gạch và những vấn đề khác vẫn chưa hoàn thành xong. Dự kiến, các hạng mục này sẽ được thực hiện trong năm 2017.

Tương tự, cảnh thiếu cơ sở vật chất cũng xảy ra ở nhiều bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình như Bảo tàng Mỹ thuật thành phố có 3 tòa nhà được bảo tàng sử dụng trưng bày hiện đã có tuổi thọ gần 100 năm. Thế nhưng đến nay, trải qua thời gian dài chưa được duy tu, tác động các công trình phụ cận đang xây dựng..., các bảo tàng đã xuống cấp. Cả 3 tòa nhà đã được thành phố công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật”. Trước thực trạng đó, ông Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố đã đề nghị được cho sơn lại hai tòa nhà trong năm 2017.

Nhìn nhận thực tế về cơ sở vật chất của ngành Văn hóa, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố chia sẻ, cơ sở vật chất của ngành chủ yếu là những công trình được xây dựng từ những năm 1975 trở về trước. Do đó, trước yêu cầu hiện nay, cơ sở vật chất đã không đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu hoạt động cho các đơn vị. Nhiều thiết chế văn hóa cơ sở đang xuống cấp và trang thiết bị phục vụ hoạt động sự nghiệp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển sự nghiệp văn hóa của người dân thành phố.

Cần phối hợp đồng bộ

Để cải thiện các thiết chế văn hóa, ngành Văn hóa thành phố đã nỗ lực đầu tư, xây dựng một số công trình mới. Một trong đó là công trình Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, quận 1 được xây dựng mới hoàn toàn với tổng kinh phí lên đến 132 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay khi bàn giao, Ban Giám đốc Nhà hát đã lại nhận được phản hồi là cơ sở mới không phù hợp với chức năng biểu diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Hiện Ban Giám đốc Nhà hát chỉ sử dụng là nơi diễn tập, diễn phúc khảo chương trình, chứ chưa sử dụng theo đúng chức năng của một nhà hát để biểu diễn. Qua khảo sát, thanh tra, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố đã thừa nhận quy mô cấu trúc xây dựng chưa phù hợp. Nguyên nhân là do chưa tham khảo ý kiến chuyên môn của ngành khi thiết kế và thi công.


Mặc dù vậy, từng nghệ sĩ, tập thể diễn viên, Ban Giám đốc các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vẫn luôn mong muốn được cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Điển hình như tập thể Ban Giám đốc, diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vẫn đều đặn mỗi tháng thuê, tổ chức biểu diễn tại sân khấu Sen Hồng, quận 1. Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại trung tâm thành phố, các vùng ven ngoại thành như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, tại các tỉnh thành Bình Dương, Tây Ninh… Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố hàng năm đón hơn 300.000 lượt khách tham quan, vẫn liên tục tổ chức các hoạt động biểu diễn lưu động tại các trường học nhằm đưa các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng đến gần hơn với công chúng.

Có thâm niên hơn 12 năm làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, nghệ sĩ tuồng Nguyễn Văn Hà, bày tỏ mong muốn được thành phố quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất để diễn viên yên tâm hoạt động trong nghề; đồng thời, có cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi cho những diễn viên hoạt động trong loại hình nghệ thuật truyền thống. Mặt khác, để văn hóa nghệ thuật dân tộc không bị mai một, cần tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu đến công chúng, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên đến với những bộ môn này hơn. Qua đó, vừa có lớp kế thừa để biểu diễn phục vụ khán giả, vừa có công chúng yêu thích những bộ môn này, nghệ sỹ Nguyễn Văn Hà chia sẻ.

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao cho biết, năm 2017 sẽ tập trung các giải pháp đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, song song, với việc hình thành bộ máy, cơ chế, nội dung hoạt động để các thiết chế văn hóa được phát huy hiệu quả. Ngành Văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, kêu gọi đầu tư xã hội hóa, sớm triển khai thực hiện tu sửa, xây dựng để những điểm đến văn hóa, nghệ thuật là niềm tự hào của người dân thành phố giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước.

Ghi nhận nỗ lực của giới văn nghệ sĩ ngành Văn hóa, nghệ thuật trong thời gian qua, trong mọi hoàn cảnh luôn phấn đấu vì sự phát triển ngành, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu, năm 2017 và những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sự nghiệp để tham mưu lãnh đạo thành phố, giải quyết những vướng mắc của các đơn vị hoạt động nghệ thuật cũng như những tồn đọng, trì trệ trong phát triển ngành, tránh tình trạng mất cân đối trong đầu tư giữa kinh tế và văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Gia Thuận (TTXVN)
Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vở kịch kinh điển 'Con chim xanh' chào mừng 1/6
Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vở kịch kinh điển 'Con chim xanh' chào mừng 1/6

Trong khuôn khổ các hoạt động nghệ thuật chào mừng sự kiện “Những ngày văn hóa châu Âu tại Việt Nam” diễn ra tháng 5 tới, cũng như hướng tới Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6/2017; Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp) dàn dựng và biểu diễn vở kịch “Con chim xanh”(“L'Oiseau bleu”) của tác giả Maurice Maeterlinck.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN