Những cẩm nang giá trị cho chuyển đổi xanh ở Việt Nam

Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa cho ra mắt cuốn sách “Phát triển khu công nghiệp sinh thái: kiến tạo tương lai xanh cho Việt Nam", do TS.Mai Văn Sỹ, LS. Phạm Hồng Điệp, TS.Nguyễn Đình Chúc (đồng chủ biên) TS.Trần Thị Thu Hương, TS.Triệu Thanh Quang.

Chú thích ảnh

Đây là cuốn sách được bạn đọc đánh giá cao bởi giá trị thực tiễn và những kiến thức về lĩnh vực phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam đã và đang được thực hiện mạnh mẽ.

Hiện nay, thế giới đang trong công cuộc chuyển mình mạnh mẽ sang kinh tế xanh và phát triển bền vững, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Những cam kết về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, không chỉ là một tuyên bố chính trị, mà còn là yêu cầu cấp bách buộc các ngành kinh tế phải tái cấu trúc. Công nghiệp, lĩnh vực đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng, cũng đang đứng trước đòi hỏi phải đổi mới toàn diện về cách thức tổ chức, vận hành và quản trị tài nguyên.

Chính trong bối cảnh này, cuốn sách “Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Kiến tạo tương lai xanh cho Việt Nam” ra đời như một lời giải có chiều sâu, không chỉ về mặt học thuật mà còn mang đậm hơi thở của thực tiễn phát triển công nghiệp Việt Nam hiện nay.

Không chỉ mang tính lý luận, cuốn sách mang đậm giá trị thực tiễn và thời sự. Đây là tài liệu có tính tổng hợp, phân tích có hệ thống về chính sách, mô hình, giải pháp và đặc biệt là các thách thức triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) ở Việt Nam. Điều này càng có giá trị khi Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 40–50% địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCNST.

Cuốn sách được xây dựng nghiêm túc, chỉnh chu bởi những người vừa có kinh nghiệm thực tiễn vừa có nền tảng học thuật vững vàng: Mai Văn Sỹ, Phạm Hồng Điệp, Nguyễn Đình Chúc (đồng chủ biên), Trần Thị Thu Hương, Triệu Thanh Quang.

Trong đó, các tác giả như Phạm Hồng Điệp, Mai Văn Sỹ là những người trực tiếp tham gia triển khai mô hình KCNST tại Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) – một trong những điển hình tiên phong chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCNST hiện nay tại Việt Nam.

Chính trải nghiệm thực tế này giúp cho nội dung sách không bị sa vào lý luận thuần túy, mà ngược lại, mang tính dẫn dắt thực tiễn cao, từ góc nhìn chính sách cho đến vận hành doanh nghiệp.

Một trong những đóng góp nổi bật của cuốn sách là việc giới thiệu một cách có hệ thống các mô hình khu công nghiệp sinh thái điển hình trên thế giới, như Kalundborg (Đan Mạch) – nơi khai sinh khái niệm cộng sinh công nghiệp; hay Ulsan (Hàn Quốc), Thiên Tân (Trung Quốc) – những nơi đã ghi nhận hiệu quả rõ rệt trong việc giảm phát thải CO₂, nâng cao hiệu suất sản xuất, tái sử dụng tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường.

Tuy nhiên, cuốn sách không dừng lại ở việc tổng kết kinh nghiệm quốc tế. Điều khiến người đọc đặc biệt quan tâm chính là việc các tác giả lý giải một cách thẳng thắn, khoa học và không né tránh về thực trạng phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam hiện nay.

Dù đã ban hành chính sách từ năm 2018, được hoàn thiện bằng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP với hệ thống tiêu chí rõ ràng, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khu công nghiệp nào được công nhận là khu công nghiệp sinh thái. Đây là một nghịch lý lớn, đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu lực của chính sách, sự sẵn sàng của các bên liên quan và năng lực thực thi tại địa phương.

Cuốn sách chỉ ra rằng, nguyên nhân của thực trạng này không nằm ở thiếu quyết tâm chính trị, mà chủ yếu đến từ những rào cản trong cơ chế công nhận, sự thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành, nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp về giá trị cộng sinh công nghiệp, và đặc biệt là hệ thống giám sát – đánh giá chưa đủ năng lực để xác định mức độ đạt chuẩn theo các khung tiêu chí quốc tế. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp hiện nay vẫn bị chi phối mạnh bởi tư duy "lấp đầy diện tích" thay vì tối ưu hiệu quả vận hành theo hướng bền vững. Những vấn đề này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà cũng từng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn đầu phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Từ việc phân tích các điểm nghẽn mang tính hệ thống, nhóm tác giả đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp cụ thể, có thể áp dụng ngay trong bối cảnh Việt Nam. Trong đó, mô hình Nam Cầu Kiền được xem như một điểm tựa thực tiễn để chứng minh rằng, chuyển đổi xanh là hoàn toàn khả thi nếu có đủ quyết tâm, tầm nhìn và cách tiếp cận phù hợp. Việc thiết lập các trung tâm cộng sinh, khuyến khích đầu tư công nghệ tuần hoàn, xây dựng bộ chỉ số đo lường hiệu quả môi trường – xã hội – kinh tế của các khu công nghiệp là những nội dung then chốt được đề xuất.

Cuốn sách “Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Kiến tạo tương lai xanh cho Việt Nam” không chỉ là một công trình nghiên cứu học thuật mà còn là một cẩm nang, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Nhà hoạch định chính sách sẽ tìm thấy trong đó định hướng và công cụ quản lý cụ thể. Các ban quản lý khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ thấy rõ lộ trình để từng bước thực hiện chuyển đổi xanh. Giới nghiên cứu, sinh viên hay các tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững cũng sẽ có thêm một nguồn tư liệu quý giá, mang tính thực tiễn cao.

Với lối viết mạch lạc, khoa học, cuốn sách đã trả lời hàng loạt câu hỏi rất thời sự: Tại sao nhiều khu công nghiệp từng được công nhận là sinh thái lại bị rút chứng nhận sau một thời gian? Tại sao số lượng KCN sinh thái trên toàn cầu vẫn còn khiêm tốn? Và tại sao Việt Nam – dù có chính sách từ sớm – vẫn chưa có một khu công nghiệp sinh thái nào được công nhận?

Trong bối cảnh cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải tái cấu trúc hệ thống sản xuất và hạ tầng công nghiệp. Cuốn sách “Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Kiến tạo tương lai xanh cho Việt Nam” chính là kim chỉ nam quan trọng trong hành trình ấy – một tài liệu quý với bất kỳ ai quan tâm đến tương lai công nghiệp xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thu Lê
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

Sáng 16/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề "Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN