Tính chất thương mại hóa làm xấu đi hình ảnh lễ hội

Lễ hội đầu Xuân là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi độ Xuân về, hàng triệu người lại hành hương về với các lễ hội trên khắp mọi miền đất nước để vãn cảnh đầu năm, cầu an lạc, hạnh phúc, mong cho người thân những điều tốt đẹp, tạm quên đi những ưu phiền, vất vả của một năm cũ. Nhưng, khi nhiều lễ hội đang dần bị thương mại hóa thì nét đẹp văn hóa truyền thống ấy đã không còn nguyên vẹn mà phần nào mất đi bản sắc riêng có của mình. Nói về điều này, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: những biến tướng của lễ hội không đúng với tinh thần Phật giáo.

 

´Thưa Hòa thượng, những lễ hội đầu Xuân gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân có ý nghĩa như thế nào?


Hòa thượng Thích Gia Quang: Không những ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có rất nhiều lễ hội. Hàng năm, Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội, trong đó có tới 80% là lễ hội dân gian truyền thống, mang nét văn hóa làng, đó là nét đẹp trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam ta. Mỗi làng đều gắn với một vị Thành hoàng làng - người có công tạo dựng cho cộng đồng, đem lại sự an lạc, đời sống ấm no, xây dựng cho cộng đồng một cuộc sống hạnh phúc nên để tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân, người đời sau thường tổ chức lễ hội. Phật giáo cũng có nhiều lễ hội như lễ hội Chùa Hương mang sự tích ngài Quán Thế Âm, lễ hội Yên Tử là nơi phát tích Phật giáo thiền của Việt Nam, tưởng nhớ công đức của Vua Trần Nhân Tông là người khai sáng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có những lễ hội mang tính chất uống nước, nhớ nguồn như hội Gióng nhớ đến vị thần đã giúp nước giữ yên bờ cõi; đặc biệt là Lễ hội đền Hùng, tưởng nhớ Vua Hùng là người đã có công dựng nước.


Trong lễ hội có phần lễ để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn của người dân đối với các vị khai sáng ra đất nước, ra dân tộc, có công xây dựng đất nước, có công với cộng đồng. Còn phần hội là những chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính cộng đồng rất đẹp. Sau một năm làm ăn, lao động vất vả, người dân về với lễ hội vừa để tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, vừa là để vui chơi, đem lại những an lạc, có giá trị đặc biệt lớn về mặt tinh thần. Đó là những nét đẹp của lễ hội truyền thống của dân tộc ta.


´Vậy Hòa thượng nhìn nhận thế nào về những vấn nạn mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội?


Hòa thượng Thích Gia Quang: Gần đây, một số lễ hội hơi đi xa hơn truyền thống tâm linh và tính chất đạo đức tốt đẹp vì tính thương mại hóa, vì mê tín dị đoan. Một số dựa vào lễ hội có hành vi không đẹp như tổ chức chơi cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh, không theo văn hóa truyền thống, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống trong lễ hội của người Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Nhiều lễ hội trước đây bị bỏ do điều kiện cuộc sống, do chiến tranh, nay được phục dựng, nhưng một số lễ hội phục dựng lại đi quá đà. Theo tôi, trước khi phục dựng lại lễ hội nào đó cần xem xét lại lịch sử và mặt đạo đức, tâm linh của nó rồi mới cho phục dựng và tổ chức thực hiện tốt hơn.


Truyền thống lễ hội của Việt Nam là mang tính uống nước, nhớ nguồn, tôn vinh người có công với đất nước, mang vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, thuần túy mang tính chất tâm linh, tinh thần. Những cái bị biến tướng, mang tính chất thương mại hóa đã làm xấu đi hình ảnh lễ hội, không đúng tinh thần của Phật giáo. Theo quan điểm của Phật giáo thì chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là cái cốt lõi. Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Nếu nói đốt vàng cho Phật thì Phật đã ngồi trên ngai vàng, Phật không thiếu vàng mà phải đốt cho Ngài. Hay như Vua Trần Nhân Tông, Ngài đã là vua thì có đâu có thiếu vàng. Đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí, người dân cần nhận thức được điều này.


´Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng có lời khuyên nào dành cho các tín đồ, Phật tử?


Hòa thượng Thích Gia Quang: Nhà Phật tâm niệm rằng thờ Phật tại tâm. Các lễ hội cũng vậy, tưởng nhớ, tâm niệm biết ơn các bậc thần linh, các thần thánh, các vị anh hùng có công với đất nước thì người dân hãy noi theo các Ngài, tu theo các Ngài, thực hiện tốt lời Phật dạy, đặc biệt là đối với 5 giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hay dùng các chất kích thích. Đấy là sống cuộc sống cho tốt, đúng với cuộc sống tâm linh Phật giáo, như vậy tốt hơn là tham gia cổ vũ cho những cái đã bị pha trộn, mang tính chất không tốt cho xã hội như cờ bạc, thương mại hóa lễ hội, không đúng với tinh thần Phật giáo, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của lễ hội người Việt Nam chúng ta.


Chúng tôi rất mong các Phật tử qua học giáo lý đạo Phật sẽ giữ được vẻ đẹp truyền thống như trong kinh Phật đã dạy: Sống thiện, sống tốt. Trong kinh lễ 6 phương, Đức Phật đã dạy chúng ta cách ứng xử hàng ngày từ gia đình đến xã hội, noi theo kinh 6 phương ấy, làm tốt được những ứng xử đó đã là lễ Phật, lễ Thánh, đã là làm tốt những điều mà hiện nay xã hội rất cần, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, giữ gìn được những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!


Chu Thanh Vân (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN