Mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thời gian qua ở cấp quốc gia cũng như từng địa phương khu vực Nam Bộ, nhiều hoạt động, giải pháp bảo tồn, quảng bá, mang lại sức sống mới cho đờn ca tài tử đã được thực hiện. Song, trong cuộc sống đương đại, quá trình phát triển và hội nhập, việc gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này vẫn còn khó khăn, thách thức.
Không chỉ là tồn tại
Nhạc sỹ Phạm Đắc Hiến - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương bày tỏ trăn trở, một trong những khó khăn cơ bản nhất đối với việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, đờn ca tài tử nói riêng là đội ngũ những người đam mê, am hiểu nghệ thuật truyền thống ngày càng lớn tuổi. Nghĩa là ở nhiều địa phương, lớp “tre” đã già, nhưng lớp “măng” lại không mọc hoặc lượng măng mọc còn quá ít.
Ở Bình Dương, thời gian qua họat động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử đang cho thấy thực trạng, đội ngũ tài tử ca đa phần là những người lớn tuổi, là lực lượng nòng cốt, trong khi đó các bạn trẻ tham gia rất ít. Nhiều bạn trẻ tham gia chỉ có xu hướng hát vọng cổ, trích đoạn chứ không đi sâu vào 20 bài tổ của đờn ca tài tử, một số lại chỉ hát được 1 đến 2 lớp trong bản tổ mà không hát được trọn bài. Hiện nay, những tài tử đờn rất thiếu, số người chọn học bài bản và gắn bó với nhạc cụ dân tộc cũng ít bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong khi đó, đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, điều quan trọng hơn cả là bảo tồn để phát triển, lan tỏa chứ không phải chỉ để tồn tại.
Bảo tồn đúng hồn cốt, bản sắc, truyền tải đến người thưởng thức một bản đờn ca tài tử đúng nghĩa cũng là một thách thức đặt ra hiện nay. Đề cập về thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử, Thạc sỹ Lê Thị Thanh Yến (Trường Đại học Đồng Tháp) dẫn ý kiến, có nhà nghiên cứu đã cho rằng hiện nay tính nguyên bản, vốn gốc của đờn ca tài tử mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam đã có lúc, có nơi bị xem nhẹ. Thêm vào đó đối với việc truyền nghề, đa phần những người chơi nhạc tài tử biết đờn được truyền dạy một cách nghiệp dư chứ chưa được đào tạo thực sự bài bản nên lực lượng soạn giả cũng như những nghệ nhân ở lĩnh vực này còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng. Chưa kể, nhiều câu lạc bộ hoạt động theo hình thức “tự thân vận động” là chính nên rất khó duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động truyền dạy và biểu diễn thường xuyên.
Ngoài ra, việc đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào phục vụ khách du lịch thực sự là hoạt động cần thiết, cần được khuyến khích phát triển, qua đó góp phần quảng bá nét đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử đến du khách trong và ngoài nước. Nhưng đáng tiếc là có nơi, khi biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách lại không có dàn nhạc đầy đủ tứ tuyệt (gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và đàn bầu) khiến du khách hiểu chưa đầy đủ, trọn vẹn về sự độc đáo, hòa quyện nhuần nhuyễn của các loại nhạc cụ và giọng ca trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc đờn yếu hay ca chưa hay của nghệ sỹ đờn ca tài tử tại một số điểm, khu du lịch sẽ gây tác hại. Nó phản ánh không đúng chất lượng giá trị của đờn ca tài tử, vô tình làm lu mờ giá trị và bản sắc của di sản.
Đồng bộ giải pháp
Để nghệ thuật đờn ca tài tử mãi là báu vật, là di sản của cả nhân loại, việc tiếp tục có những giải pháp phù hợp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử trong cuộc sống hiện đại, giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay là rất cần thiết. Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tăng cường truyền dạy, đào tạo để có lực lượng kế thừa và gìn giữ được tinh hoa của nghệ thuật dân tộc là giải pháp quan trọng và tiên quyết trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử. Việc đào tạo cần có tính hệ thống, phát huy các sáng tác địa phương và thực hiện kết hợp đa phương tiện trong giảng dạy bên cạnh phương pháp dạy truyền khẩu, truyền “ngón” của nghệ nhân...
Theo nhạc sỹ Phạm Đắc Hiến - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương, để đầu tư cho bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn cần phải quan tâm đến công chúng. Người nghe và người xem muốn gắn bó với nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử cần có sự hiểu biết và niềm say mê. Nếu nghệ thuật truyền thống chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên là xem như thiếu một phần sức sống và hoạt động bảo tồn coi như thất bại.
Liên quan đến các giải pháp tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đồng quan điểm cho rằng việc biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử thực sự là một sản phẩm du lịch đặc biệt, điểm nhấn trong hành trình của du khách về phương Nam, là giải pháp đúng đắn góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Song các địa phương, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch cũng cần có sự đầu tư bài bản, căn cơ hơn. Các khu du lịch nên chú ý tạo không gian trình diễn đờn ca tài tử phù hợp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong lời giới thiệu, thuyết minh trong chương trình biểu diễn để du khách hiểu rõ hơn nét độc đáo, sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thạc sỹ Lê Thị Thanh Yến đề xuất: cần tăng cường xây dựng chương trình biểu diễn có chủ đề, có sự chọn lọc, có thời lượng vừa phải với những bản đờn ca phù hợp để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, đờn ca tài tử nguyên bản, chính thống thì không có những bài lý, cải lương nhưng với chương trình đờn ca tài tử phục vụ du khách thì nên gia giảm quy định này và giới thiệu một cách dễ hiểu để du khách hiểu đúng, tức là không làm “biến dạng” chất riêng vốn có của dòng nhạc dân tộc Việt trong lòng du khách bốn phương.