Làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được nhiều người biết đến là “đất hai vua” và có kiến trúc đá ong đặc sắc, cùng với phong cảnh mang đậm nét của vùng quê Bắc bộ. Tuy nhiên tốc độ đô thị hóa và nhu cầu dân sinh, phát triển du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bảo tồn điểm di tích này.
Bài 1: Dân ít được lợi từ du lịch
Xã Đường Lâm có khoảng 1 vạn dân, chia làm 9 thôn, trong đó có 5 thôn được phân cấp bảo tồn thuộc vùng 1 gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Đây cũng là khu vực còn giữ được nhiều ngôi nhà mang kiến trúc cổ.
Kiến trúc làng cổ Đường Lâm đang bị phá vỡ bởi những ngôi nhà hiện đại mới xây dựng. |
Dù lãnh đạo xã và thị xã Sơn Tây khẳng định, du lịch sẽ là một ngành kinh tế chính trong định hướng phát triển, lấy du lịch làm nguồn thu cho bảo tồn, nhưng thực tế rất ít người dân được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Trên bản đồ du lịch phát cho du khách có 15 ngôi nhà thực sự mở cửa đón khách. Như vậy, ngoài những nhà được xác định là điểm du lịch và khoảng chục hộ làm dịch vụ ăn uống, hàng trăm hộ khác có thể nói hầu như không được hưởng lợi gì từ việc phát huy giá trị của di tích quốc gia này.
Bà Dương Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đường Lâm cho biết: Người dân trong xã đã phản ánh, phần lớn người dân không được lợi gì từ việc công nhận là làng di tích kiến trúc- nghệ thuật quốc gia. Hiện chỉ có khoảng hơn chục nhà được cấp khoảng 200.000 đồng/tháng (nhà cao nhất là 400.000 đồng/tháng) gọi là tiền trà nước, dọn dẹp nhà sạch sẽ để khách vào tham quan. Trong khi đó, nhà cửa không được phép xây mới, dù hiện có nhiều gia đình do nhà đông con muốn tách hộ, xây nhà để ở vì chính nhu cầu dân sinh.
Đến làng cổ Đường Lâm, giờ đây, ngay từ cổng làng và mọi ngóc ngách của làng đều thấy những ngôi nhà kiến trúc hiện đại đan xen, khiến nhiều người cho rằng, đây là làng quê “tân cổ giao duyên”. Lý giải điều này, ông Nguyễn Trọng An, Phó Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, những ngôi nhà cao tầng tại đây đều xây trước năm 2005, còn sau khi được công nhận là làng di tích, đối với vùng 1, xã chỉ cho phép sửa chữa nhưng giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Dù BQL cho rằng không có việc xây mới, nhưng chỉ cần đi dạo quanh làng cổ có thể quan sát nhiều hộ dân vẫn cơi nới, sửa chữa, nâng cấp nhà. Đường làng, ngõ xóm cũng đang dần được mở rộng với những vật liệu mới, hiện đại. Không gian gốc đa, bến nước, sân đình đang đứng trước nguy cơ bị đô thị hóa ngày một rõ nét.
Nguyên nhân do quỹ đất ở tại Đường Lâm khá eo hẹp. Đi dọc làng cổ có thể thấy nhà cửa san sát, đường trong làng theo hình xương cá, mỗi nhà chỉ 200 -300 m2 đất ở. Diện tích đó là quá nhỏ hẹp với nông thôn. Dân cư ngày một đông hơn trong khi đất vẫn vậy, khiến không gian, cảnh quan và kiến trúc đang đứng trước nhiều nguy cơ “tan vỡ”. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phương thức sản xuất truyền thống không đồng bộ với chuyển đổi văn hóa, lối sống; xây dựng mới do nhu cầu cuộc sống, không tuân thủ các quy định về kiểm soát không gian bảo tồn; bảo tồn nhà cổ có những mâu thuẫn nhất định với nhu cầu cuộc sống hiện nay mà ngôi nhà phải đáp ứng; xu hướng làm bảo tồn theo kiểu làm mới lại di tích, bảo tồn tự phát không theo đúng các trình tự khoa học; xu hướng mật độ xây dựng tăng… Tất cả những yếu tố đó đang ngày càng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn.
Trước khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích, nhiều chuyên gia văn hóa lịch sử nghiên cứu về Đường Lâm đã cảnh báo cần phải có thiết chế nghiêm túc trong xây dựng, cần có quy chế giãn dân, bảo tồn nhà cổ; nếu không khi được Nhà nước công nhận di tích quốc gia thì làng chỉ còn cái... tên “cổ”. Quả thật, khi được công nhận là di tích, việc không cho phép xây dựng cải tạo mới nhà ở trong khi không có chính sách, quy hoạch kèm theo đã kìm nén người dân phải ở trong ngôi nhà đã xuống cấp trước nhu cầu cuộc sống khiến nhiều người có ý kiến “xin trả lại bằng di tích”, một số khác thì vẫn ngấm ngấm xây nhà cửa theo hình chóp nhọn, chóp củ hành, nhà ống, nhà kính...
Người ta đã bàn quá nhiều về việc cần có chính sách giãn dân, cấp đất, cấp tiền cho dân giữ gìn nhà cổ, kiến trúc làng cổ, đồng thời cuộc sống của họ phải dễ chịu hơn; tuy nhiên những “hội thảo” này mới chỉ dừng lại trên bàn giấy.
Xuân Cường
Bài 2: Tìm một quy hoạch bền vững