Có những cuốn sách chỉ nổi tiếng khi bộ phim chuyển thể nó thành danh (như Cuốn theo chiều gió của Margaret Michell; Ngôi nhà nhỏ của Laura Ingalls …). Song cũng có cuốn sách ra đời cả thế kỷ với hơn 40 phim chuyển thể (từ phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập tới… hoạt hình) nhưng nghệ thuật thứ 7 vẫn chưa thể vươn tới được giá trị của truyện. Đó là tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Pháp Victor Hugo.
Tác phẩm phim ca nhạc Những người khốn khổ vừa ra rạp của đạo diễn Tom Hooper như phá bỏ được phần nào nỗi “mặc cảm” đó cho điện ảnh. Sự khác biệt của bộ phim này so với các bộ phim trước là ở âm nhạc.
1. Bộ phim chỉ vỏn vẹn vài chục dòng thoại còn lại tất cả thông tin, cung bậc cảm xúc đều thể hiện qua âm nhạc. Đây là một sự lựa chọn đầy mạo hiểm của Tom Hooper. Vẫn biết, “giá đỡ” cho bộ phim là tác phẩm nhạc kịch cùng tên trứ danh của Claude-Michel Schönberg. Nhưng việc chuyển thể từ nhạc kịch thành phim ca nhạc có sự cong vênh quá lớn trong dàn cảnh, lồng tiếng tới chuyển động… Thêm vào đó, việc nén dung lượng thông tin quá lớn một thiên tiểu thuyết với nhiều mâu thuẫn đan cài, nhiều cung bậc cảm xúc rối ren vào những nốt nhạc e chừng bất khả thi.
Nhưng nói như các nhà kinh tế học, rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao. Chưa bàn đến chuyện doanh thu, việc Tom Hooper chọn cách làm mạo hiểm không ai dám nghĩ tới đã khiến ông tạo ra một tuyệt tác có thể sánh ngang với vở nhạc kịch và cuốn tiểu thuyết cùng tên trước đó. Những khuôn hình “sạch” từng minimet cùng những bản nhạc được các diễn viên hát trực tiếp khi diễn khiến người xem sởn gai ốc: Bản Look Down lướt qua những khung cảnh lầm than được hát vang cùng hình ảnh cậu bé Gavroche triết lý về cuộc sống của những “con người dưới đáy” khiến người xem day dứt, bản Do you hear the people sing? lại khiến người xem như muốn rời khỏi ghế khán giả để hòa cùng đoàn người trẻ căng tràn khát vọng đổi thay, bản Lovely ladies xướng lên lúc Fantine bị quay cuồng rồi nàng phải bán tóc, bán răng, bán thân để nuôi con khiến nhiều người xem bật khóc, bản Master of the house là âm vang của cách làm ăn chộp giật song dí dỏm của vợ chồng Thesnardier. Cảnh này khiến người xem cười nghiêng ngả… Cứ vậy, âm nhạc, hình ảnh quyện hòa trên một nội dung xuyên suốt làm khán giả khóc, cười, căm hờn, bi ai, hoan ca, say đắm… đều theo những nốt nhạc. Hơn thế, những chuyển động của phim và cả số phận nhân vật hồ như cũng theo sự thăng giáng của những nốt nhạc ấy.
2. Bên cạnh những phần hợp ca hùng tráng, bi ai, các phần song ca, hát bè, và đơn ca cũng khắc họa tính cách rất điển hình. Tiêu biểu là đoạn “song ca” của Jean Valjean và thanh tra Javert ngay đầu phim khi Javert đưa cho Jean Valjean tờ giấy lưu hành. Người tù khổ sai vừa được trao tự do nửa vời cố nhấn đi nhấn lại: “Tên tôi là Jean Valjean”. Còn viên thanh tra tận trung với luật pháp đáp trả: “Ngươi mãi là 24601” (số tù nhân của Jean Valjean).
Hay đỉnh điểm của độc thoại nội tâm là bài Who am I? khi Jean Valjean phải đối mặt với chọn lựa giằng xé: Yên bình trong tội ác hoặc trốn chạy cao cả. Suốt bài ca tự vấn, máy quay chạy dọc từ căn phòng Jean Valjean với những nắm tiền tới nhà thờ với thập tự, tranh kính, giá nến cùng sức át chế vô biên. Rồi sau những mâu thuẫn căng cứng, người xem như vỡ òa khi Jean Valjean đã chiến thắng chính bản thân mình và tiến tới trước tòa hô dõng dạc trong tiếng nhạc: “Tôi là Jean Valjean 24601!”. Chiến thắng chính bản thân để đương đầu với cái hiểm nguy của Jean Valjean như chiến thắng của lòng tin vào bản ngã tốt đẹp của con người.
Có những tình huống, tác giả rất tinh ý lợi dụng âm nhạc để diễn tả nội tâm nhân vật. Điều này khiến bộ phim ca nhạc vừa mang chút điểm nhìn thứ 3 vừa mang chút điểm nhìn thứ nhất song lại không phải điểm nhìn toàn tri. Thủ pháp dàn dựng “cao tay” này của đạo diễn khiến dung lượng thông tin từ truyện truyền tải vào phim được nhiều hơn rất nhiều so với những bộ phim điện ảnh trước đấy mà khán giả xem không “ngấy”.
Đơn cử như đoạn hợp ca bài One day more. Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 4 phút, tác giả đã diễn tả được tâm trạng và tâm thế các nhân vật 1 ngày trước cách mạng: Những chàng trai trẻ hào hứng chuẩn bị tới ngày thay đổi và mơ về cả những tháng ngày tươi đẹp sau đó. Còn Javert cũng háo hức không kém đợi chờ ngày phá tan âm mưu của lũ học trò “ngông cuồng”.
Những người khốn khổ vừa giành ba giải thưởng quan trọng tại Quả Cầu Vàng, gồm Phim hài / nhạc kịch hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim hài / nhạc kịch (cho Hugh Jackman) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (cho Anne Hathaway). Tại Oscar 2013, phim nhận 8 đề cử, trong đó có giải Phim hay nhất. Trung tuần tháng 1 vừa qua, phim đã được trình chiếu trên khắp các rạp Việt Nam. |
Hoặc một trường hợp khác cũng sát ngày cách mạng nổ ra là bài Black and red. Khi bạn bè hân hoan nói về màu đen của những ngày dài tăm tối và màu đỏ cách mạng, Marius (khi ấy vừa phải lòng Cosette) cũng đồng ca một cách lạc điệu khi chàng nhấn nhá màu đen của những ngày dài xa cách và đỏ của lửa yêu thương…
3. Âm nhạc dặt dìu lắp ghép hài hòa không khiên cưỡng khiến người xem phim như đang được nghe một bản tình ca buồn liền mạch. Dù bộ phim kết thúc có hậu (hợp với tinh thần của nguyên tác) song nhiều người xem không ngừng khóc kể khúc nhạc rộn rã của bài Lovely lady tới hết phim.
Sau khi chấp nhận bán thân, Fatine cất lên khúc ca đau đớn. Khán giả Việt Nam ngỡ ngàng khi giai điệu bài I dreamed a dream quen thuộc vang lên như tiếng kêu “đoạn trường” của Fantine. Càng bất ngờ hơn khi bản nhạc vốn đã “đóng đinh” với ca sỹ Susan Boyle lại được nữ diễn viên Anne Hathaway (trong vai Fantine) cất lên. Giọng Anne không thực hoàn hảo song những biểu cảm gương mặt cùng cảm xúc chân thật khiến khán giả rưng rưng. Và giai điệu buồn đẹp của I dreamed a dream (được sáng tác từ vở nhạc kịch Những người khốn khổ những năm 1980) cũng là âm hưởng chủ đạo của cả bộ phim.
Tiếp đó là mối tình đơn phương đớn đau mà cao thượng của Eponine cũng khiến lòng người nặng trĩu. Và bài hát On my own được Eponine hát trong đêm mưa lạnh căm đơn độc khi vừa đưa người cô yêu - Marius tới nhà người yêu anh - Cosette. Cuối cùng, cũng như bé Gavroche, bên bản hùng ca Do you hear the people sing? Eponine cũng hi sinh trên bờ “tường thành” khi cô đang chiến đấu vì những điều cô yêu thương.
Bộ phim khép lại với khung cảnh tất cả các nhân vật đứng trên “bờ thành” bằng bàn ghế đổ xếp lại cùng hát vang bài Do you hear the people sing?. Sau lưng họ là tất cả người dân và binh lính Pari. Bên kia chiến tuyến không có một ai. Hình ảnh ngầm ám chỉ việc cách mạng thành công sau này từ những tư tưởng của nhóm học sinh nổi dậy vừa thất bại.
Cũng đã lâu (với người viết bài viết này chứng kiến là chưa bao giờ) khi kết thúc một bộ phim, cả rạp đứng cả dậy vỗ tay vang dội như Những người khốn khổ. Gần 2 thế kỷ đã qua, song dường như tác phẩm này vẫn không hề cũ.
Đúng như lời tựa cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo: "Chừng nào trên mặt đất này còn dốt nát khổ đau, chừng đó Những người khốn khổ còn nguyên giá trị”.
Lệ Thanh