Mới đây, Trung tâm Văn hóa Mỹ (thuộc Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức buổi chiếu phim “Trời và Đất” của đạo diễn lừng danh Oliver Stone. Bộ phim này được đạo diễn Oliver Stone viết kịch bản dựa trên hai cuốn tự truyện nổi tiếng của người Việt, bà Phùng Thị Lệ Lý. Bà Lệ Lý cho biết đã tham dự 5 buổi chiếu phim “Trời và Đất” và giao lưu với khán giả ở Hà Nội, nhưng đây là lần đầu gặp gỡ khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với người Mỹ về nỗi đau chiến tranh
Bà Phùng Thị Lệ Lý (SN 1949) sinh ra tại một làng quê nghèo ở Hòa Vang, Quảng Nam, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Gia đình bà có hai anh trai tập kết ra Bắc. Bà từng làm liên lạc và bị địch bắt, tra tấn dã man. Theo lời kể của bà, do hoàn cảnh, năm 14 tuổi bà rời làng quê lên Sài Gòn làm giúp việc. Có thai với ông chủ, bà bị buộc phải trở về Đà Nẵng và làm mọi việc, kể cả bán thuốc lá cho lính Mỹ, để có tiền nuôi con. 20 tuổi bà rời Việt Nam theo chồng là một kỹ sư người Mỹ về nước. Sau khi người chồng đầu qua đời, bà tái hôn với ông Hayslip. Nhưng rồi số phận lại bắt bà làm quả phụ lần thứ hai.
Cũng theo lời kể của bà, phải 16 năm sau khi sang Mỹ, bà Lệ Lý mới trở về thăm quê hương (1986). Cuốn tự truyện đầu tiên When Heaven and Earth Changed Places (tạm dịch Khi đất trời đảo lộn, xuất bản năm 1989 tại Mỹ) về những năm tháng ở Việt Nam được bà thai nghén từ đó. Cuốn tự truyện thứ hai Child of War, Woman of Peace (Đứa trẻ thời chiến, người phụ nữ thời bình) xuất bản tại Mỹ năm 1993, bà viết về những ngày khó khăn thích nghi với cuộc sống và thành đạt trên đất Mỹ.
Về lý do viết cuốn tự truyện bà Lệ Lý cho biết: “Nhiều người Mỹ cứ nghĩ chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là do người Việt Nam gây ra. Tôi hay phải trả lời những thắc mắc của họ, nên tôi phải viết ra cuốn sách để chia sẻ với người Mỹ về nỗi đau của người dân Việt Nam trong chiến tranh mà tôi cũng là một người trong số đó”, bà tâm sự.
Hai cuốn sách của bà Lệ Lý. |
Oliver Stone đã viết kịch bản phim “Trời và Đất” dựa theo hai cuốn tự truyện nổi tiếng của bà. Khi cuốn sách đầu tiên ra mắt ngay lập tức đã trở thành một trong những sách bán chạy nhất ở Mỹ và tên tuổi tác giả cũng nổi như cồn. Đạo diễn lừng danh Oliver Stone đã ngay lập tức mua bản quyền để dựng thành phim.
Từng tham chiến tại miền Nam Việt Nam, Oliver Stone đã viết kịch bản và đạo diễn hai bộ phim nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam là Platoon (Trung đội) năm 1986 và Born on the Fourth of July (sinh ngày mùng 4 tháng 7) năm 1989, và cả hai phim này đều lần lượt dành 4 và 2 giải Oscar. Nếu như hai bộ phim trên kể về chiến tranh Việt Nam qua cách nhìn của những người lính Mỹ, thì “Trời và Đất”, bộ phim thứ ba của ông kể về chiến tranh Việt Nam qua câu chuyện của một phụ nữ Việt Nam.
Nói về bộ phim “Trời và Đất” của Oliver Stone, bà Lệ Lý khẳng định: “Bộ phim đã chuyển tải được đến 90% câu chuyện của tôi. Khi mời tôi đến nhà để thảo luận về kịch bản, Oliver Stone nói rằng ông muốn chuyển câu chuyện của tôi thành hình ảnh. Tất cả các câu thoại trong phim ông ấy đều lấy từ cuốn sách”. Trong phim này bà Lệ Lý không chỉ làm cố vấn cho đạo diễn, mà còn tham gia đến 7 vai “nhỏ xíu” và tự sáng tác lời cho hai ca khúc trong phim.
Bà Lệ Lý cũng kể rằng, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Oliver Stone đã từng có thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ tại Đà Nẵng. Bà Lệ Lý đã nói vui với ông là có thể hồi đó tôi và ông từng gặp nhau rồi cũng nên. Cô Lê Thị Hiệp, nữ diễn viên Việt kiều đóng vai Lệ Lý trong phim, cũng là người gốc Đà Nẵng. Đây là vai nặng ký với Lê Thị Hiệp, bởi lần đầu đóng phim, cô phải nhập vai một cô bé 14 tuổi và kết thúc ở độ tuổi trung niên. “Cô ấy đã diễn tròn vai của mình”, bà Lệ Lý nói.
Những hoạt động từ thiện tại Việt Nam
Năm 1986, lần đầu trở về Việt Nam, bà đã thực sự xúc động khi chứng kiến cuộc sống còn thiếu thốn và khổ cực của người dân Việt Nam sau chiến tranh. Sau khi về Mỹ, bà đã bán tài sản, lập nên tổ chức phi chính phủ Đông Tây hội ngộ (East meets West Foundation). Bằng uy tín của mình, bà kêu gọi thêm các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ, các nhà hảo tâm, các bác sĩ từ Mỹ sang Việt Nam trực tiếp tham gia những hoạt động từ thiện giúp người dân Việt Nam ở những vùng quê nghèo khó.
Khi tổ chức Đông Tây hội ngộ đã vững mạnh, bà chuyển giao và lập tổ chức phi chính phủ mới Làng Toàn cầu (Global Village Foundation) vào năm 2000. Làng Toàn cầu hoạt động phần lớn ở miền Trung, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và phát triển cộng đồng. Tổ chức này đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ kinh phí, đưa tình nguyện viên từ Mỹ và sinh viên từ Xinhgapo sang Việt Nam làm thiện nguyện. Bà Lệ Lý cho biết: “Tôi rất tâm đắc với mô hình xây dựng “Tủ sách lưu động” đưa về các trường tiểu học giúp đỡ trẻ em vùng sâu vùng xa, tổ chức các hội thi đọc sách…”. Những hoạt động từ thiện của các tổ chức do bà Lệ Lý sáng lập không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn đến với cả những người dân nước khác.
Năm 2007, bộ phim tài liệu “Từ chiến tranh đến hòa bình và xa hơn nữa” nói về những hoạt động nhân đạo của bà ở Việt Nam do Poloma College thực hiện đã được các Hội Điện ảnh Mỹ trao tặng hơn 10 giải thưởng, đặc biệt trong đó có 3 giải Emmy danh giá.
Năm 2006, cuộc đời của bà Lệ Lý là chủ đề chính trong bộ sách 4 cuốn về bốn người Mỹ gốc Á nổi tiếng tại Mỹ Who is Le Ly Hayslip? (Lệ Lý Hayslip là ai?) của Nhà xuất bản Raintree. Năm 2008, bà còn vinh dự nhận “Giải thưởng nước Mỹ” (Pride of America) trao tặng 25 người nhập cư vào Mỹ từ năm khai quốc 1776 đến nay và có nhiều đóng góp lớn cho nước Mỹ.
Bà Lệ Lý chia sẻ: “Một trong những ước muốn của tôi đã thành hiện thực. Đó là vết thương lòng của Việt Nam và Mỹ đã dần được hàn gắn. Các thế hệ người Mỹ và người Việt đã ngồi lại với nhau. Người Mỹ sang Việt Nam và nhiều bạn trẻ Việt Nam sang Mỹ du học. Các thế hệ Việt kiều cũng đã về nước”.
Bà Lệ Lý rất vui khi cả ba con trai đều thành đạt. Cậu con đầu cùng gia đình làm việc tại Thụy Sĩ. Cậu con thứ hai làm việc ở Hollywood, cũng rất thành công. Cậu con út từng làm giám đốc Làng Toàn cầu.
Trong câu chuyện với bà, bà còn hát cho chúng tôi nghe những đoạn bài chòi, dân ca miền Trung. Dù sống ở Mỹ lâu năm, nhưng giọng bà vẫn “đặc sệt Quảng Nam”. Bà nói: “Nếu các bạn ở cùng tôi thì tôi có thể hát cho các bạn nghe ba tháng mới hết “kho” dự trữ”.
Hạnh Long