Phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm, Ninh Thuận

Trong hai ngày 8-9/12, tại Ninh Thuận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Bangladesh cùng các đại biểu đến từ các Vụ, Viện và các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân trình diễn làm đồ gốm tại Lễ hội Katê (Bình Thuận ) năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội thảo được tổ chức nhằm tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước về bảo tồn di sản văn hóa, thu thập thông tin, tài liệu để củng cố luận cứ khoa học cho việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế và trong nước tập trung thảo luận, cùng nhận diện và làm sáng tỏ những giá trị tiêu biểu về nghệ thuật làm gốm của người Chăm; công bố kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa gốm Chăm với các trung tâm gốm ở Việt Nam và các nước ở Châu Á, trong đó có so sánh những điểm giống và khác về tri thức và kỹ thuật, hình thức biểu đạt, tập quán liên quan, phương pháp truyền nghề, sự tương đồng và dị biệt cũng như vai trò và vị thế của gốm Chăm trong mạng lưới thương mại hàng hải và trong bối cảnh trao đổi kinh tế và văn hóa với các nước.

Hội thảo còn tập trung phân tích về hiện trạng di sản gốm Chăm; đồng thời khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ khẩn cấp và đề xuất các biện pháp để bảo vệ khẩn cấp “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống; xây dựng chính sách đối với nghệ nhân và quyền lợi hợp pháp của nghệ nhân; kinh nghiệm quy hoạch, bảo tồn và phát triển làng nghề gốm; việc phát triển du lịch làng nghề nói chung và nghề gốm nói riêng; kinh nghiệm và giải pháp truyền dạy; cách quảng bá, giới thiệu giá trị di sản và sản phẩm; kinh nghiệm marketing gắn với phát triển bền vững để duy trì sức sống của di sản…

Tỉnh Ninh Thuận có làng gốm Bàu Trúc, một làng nghề sản xuất gốm có truyền thống lâu đời và tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Gốm Chăm Bàu Trúc tiêu biểu bởi sản phẩm gốm được chế tác hoàn toàn bằng thủ công “Nắn bằng tay, không bàn xoay”. Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên, cho ra sản phẩm gốm độc đáo, mang tính độc bản cao với những nét đặc trưng văn hóa Chăm không lẫn với sản phẩm gốm ở nơi khác.

Tuy nhiên, nghề gốm Chăm Bàu Trúc cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi tác động của nền sản xuất công nghiệp, các sản phẩm gia dụng (đồ đựng, đồ nấu…) hiện đại với vật liệu mới dần thay thế sản phẩm gốm truyền thống. Hơn nữa, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề đang làm cho thế hệ trẻ không mặn mà trong việc nối tiếp nghề truyền thống của thế hệ đi trước.    

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Văn Món, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để làng nghề gốm tồn tại trước các yếu tố tác động thì giải pháp sáng giá nhất đó là xây dựng làng gốm thông qua du lịch, gắn kết với du lịch để lôi cuốn du khách tới tham quan, trải nghiệm, mua sắm…Từ đó, nghệ nhân có thêm thu nhập, làng nghề khởi sắc. Xu thế hiện nay là xu thế hội nhập và phát triển, du lịch đang phát triển. Do đó, làng nghề gốm truyền thống cần quy hoạch phù hợp, có hướng đi đúng, đón đầu được thị hiếu của du khách, của thị trường để mở hướng phát triển bền vững.

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian.

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với mong muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề sản xuất gốm và nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trong tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhận được sự đồng thuận và phối hợp chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.   

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành kế hoạch về xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, các thủ tục liên quan đến công tác xây dựng hồ sơ gần như được hoàn tất. Kết quả từ ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học tại hội thảo quốc tế này sẽ được Ban xây dựng hồ sơ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) tổng hợp, bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ gửi đến Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam thẩm định, cho ý kiến góp ý bổ sung, hoàn thiện trước khi nộp hồ sơ tại Ủy ban UNESCO vào tháng 3/2019.

Công Thử  (TTXVN)
Làm tranh gốm bằng cả trái tim
Làm tranh gốm bằng cả trái tim

Góp phần tạo nên ấn tượng đẹp về Tuần lễ Cấp cao APEC có món quà ý nghĩa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Đó là bộ tranh ghép gốm "Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017" do bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xứ gốm Đồng Nai tạo nên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN